Chuyện ít người biết về các công ty xây dựng chỉ số (K2): Khoản doanh thu không nhỏ

Bất đồng từ các thành phần tham gia thị trường

Như đã nói ở kỳ trước, nhiều nhà đầu tư hiện nay ngày càng tin tưởng vào các benchmark và xem chúng như những cơ sở tham chiếu chuẩn xác, an toàn. Cùng với đó, việc các sản phẩm đầu tư thụ động phát triển mạnh mẽ đã ngày càng gia tăng quyền lực cho những công ty cung cấp chỉ số.

Dẫu vậy, mặc dù tầm quan trọng của các chỉ số tham chiếu cho thị trường (benchmark) là điều không phải bàn cãi, nhưng rủi ro thông tin bất cân xứng và quyền lực quá lớn của những công ty cung cấp chỉ số khiến nhiều thành phần tham gia thị trường bắt đầu xuất hiện bất đồng. Một số nhà quản lý quỹ, đặc biệt trong đó có cả những nhà quản lý quỹ đầu tư thụ động, thậm chí đã bắt đầu từ chối sử dụng các chỉ số do bên thứ ba (những công ty chỉ số) tính toán. Họ bắt đầu xây dựng benchmark riêng cho mình.

Kuwait, quốc gia vùng Vịnh với hơn 4 triệu dân và GDP tăng trưởng khiêm tốn nhưng hiện đang chiếm tới 19% vốn hóa của chỉ số các thị trường cận biên MSCI – một trong những chỉ số ưa thích cho nhà đầu tư thụ động ưa thích rủi ro đổi lại lợi suất cao. Tuy nhiên, việc một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé với nền kinh tế không có nhiều triển vọng này chiếm tới gần 1/5 vốn hóa của chỉ số thị trường cận biên MSCI khiến cho nhiều nhà đầu tư tập trung vào thị trường cận biên không mấy thích thú.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng có những quốc gia xứng đáng chiếm tỷ trọng cao hơn trong các chỉ số thị trường cận biên. Ông Andrew Howell, một chiến lược gia tại Citigroup, cho rằng nhiều nhà đầu tư thị trường cận biên hiện nay ưa thích các thị trường như Việt Nam hay Bangladesh, những quốc gia với dân số lớn và nhiều tiềm năng phát triển, hơn là những thị trường như Kuwait.

Kuwait chỉ là một trong những trường hợp minh họa cho các quyết định bất hợp lý của nhiều công ty chỉ số, khiến các nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về tính khách quan của những công ty này. Trong khi đó, các công ty chỉ số vẫn liên tục biện minh rằng các quyết định thêm bớt hay nâng hạ bậc xếp hạng với một cổ phiếu, trái phiếu hay một quốc gia nhất định đều dựa trên những quy tắc nhất quán, là kết quả tổng hợp của những phân tích độc lập về quy mô, thanh khoản và tất cả những yếu tố liên quan tới khả năng có thể đầu tư (investability) tương ứng với mỗi thị trường hay chứng khoán.

Các công ty chỉ số, chẳng hạn như MSCI, khẳng định luôn đứng trên vị thế của nhà đầu tư và hoàn toàn khách quan khi lựa chọn các cơ hội có thể đầu tư ứng với mỗi chỉ số. Ông Chin Ping Chia, Giám đốc phân tích khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của công ty này tự nhận MSCI giống như một chiếc gương phản chiếu nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và thúc đẩy truyền bá nhu cầu đó tới thị trường.

Điều đáng lo lắng đó là, các quỹ đầu tư thụ động thường quyết định danh mục đầu tư hoàn toàn theo các benchmark mà quỹ đó lựa chọn. Những quyết định này càng đặc biệt cần chú ý ở những thị trường mới nổi, nơi mà các công ty chỉ số cần phải phục vụ những nhà đầu tư mong muốn là người nhanh chân tận dụng sự tăng trưởng của những thị trường vốn chưa phát triển.

Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, JPMorgan Chase đã đưa Argentina trở lại vào danh sách chỉ số trái phiếu của mình sau khi nước này thanh toán được một phần các khoản nợ cũng như giải quyết những mâu thuẫn với chủ nợ, bất chấp nguy cơ vỡ nợ vẫn còn. Việc này giúp cho Argentina có thể huy động vốn sau đó thông qua các khoản trái phiếu phát hành mới, trong khi rủi ro quốc gia vẫn còn đó. Điều này tiếp tục đặt ra câu hỏi liên quan tới những vấn đề đạo đức trong hoạt động của các công ty chỉ số và làm bùng nổ những chỉ trích về việc thêm các quốc gia với những khoản nợ khổng lồ vào chung rổ tính toán chỉ số cùng nhiều quốc gia ổn định khác.

Khoản lợi nhuận không nhỏ

Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks, người đồng sáng lập Oaktree Capital Management LP , cho rằng thực tế một số người có thể can thiệp rất chủ động vào việc ra quyết định cổ phiếu nào sẽ được thêm vào hoặc loại ra khỏi một chỉ số của các công ty chỉ số, qua đó tác động tới việc giải ngân của các quỹ đầu tư thụ động. Do đó, theo ông, có thể nói các quỹ đầu tư bị động đang “outsource” các quyết định về phân bổ danh mục. Và nguồn lực thực hiện công việc đó chính là các công ty chỉ số.

Các quyết định thêm bớt cổ phiếu hoặc nâng hạ bậc thị trường mang đến cho những công ty chỉ số khoản lợi nhuận khổng lồ. Mọi quỹ đầu tư thụ động đều theo dõi và mô phỏng danh mục theo một chỉ số thị trường, do đó được gọi là thụ động. Các quỹ này thường trả phí duy trì (license fee) định kỳ cho các công ty chỉ số. Điều này vừa mang tới lợi nhuận, đồng thời làm gia tăng tầm ảnh hưởng của họ. Doanh thu từ mảng chỉ số tại S&P Global, MSCI và FTSE Russell đã vượt quá con số 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với mức 858 triệu USD cùng kỳ năm 2016.

Dù vậy, các công ty chỉ số vẫn phủ nhận việc họ chính là những người có khả năng can thiệp vào thị trường. Ông Mark Makepeace, Giám đốc điều hành FTSE Russell, cho biết công ty này chỉ nỗ lực thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu được các nhà đầu tư chấp nhận phổ biến để phân chia thành các chỉ số, và đảm bảo sự đồng thuận giữa các nhà đầu tư. Đầu tháng 9 năm nay, FTSE Russell đã nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, tạo cơ sở để thị trường này kỳ vọng hút thêm dòng vốn khoảng 822 triệu USD sau đó.

MSCI đã từng có thời gian dài vật lộn với quyết định có nên thêm các cổ phiếu ở thị trường Trung Quốc đại lục vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi của mình hay không. Michael Buek, người từng có thời gian quản lý danh mục đầu tư chỉ số cổ phiếu tại Vanguard Group Inc, đã quan sát quá trình này, và cho biết ông đã không hề ngạc nhiên khi MSCI không hề có động thái nâng hạng với thị trường này trong suốt những năm 2014, 2015 và 2016. Thời điểm đó, ông cho rằng các rào cản giao dịch và đầu tư tại Trung Quốc sẽ khiến tình trạng này còn kéo dài thêm nữa.

Tuy nhiên, cuối cùng thì MSCI cũng đã quyết định thêm các cổ phiếu lục địa Trung Quốc vào rổ chỉ số thị trường mới nổi trong kỳ xem xét tháng 6 năm nay. Lẽ dĩ nhiên, một số nhà đầu tư đã nhanh nhạy chớp lấy cơ hội từ trước, trong khi một số khác vẫn băn khoăn tại sao một thị trường bị kiểm soát dòng vốn chặt chẽ cùng nhiều hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc lại được thêm vào. Kể từ tháng 6/2017 đến nay, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thẩm Quyến đã tăng từ 1.773 điểm lên hơn 1.900 điểm sau khi đạt đỉnh 2.045 điểm ngày 13/11 .

Đây có thể là một trong số các quyết định của những công ty chỉ số đã khiến ông Buek ngạc nhiên. Mặc dù Buek cũng như những nhà quản lý đầu tư thụ động khác vẫn đang hoạt động dựa trên các chỉ số được cung cấp bởi bên thứ ba, ông cho rằng đang có một sự siêu cạnh tranh diễn ra giữa các công ty chỉ số trên thị trường. Ông nói ‘Khi Vanguard không ưa thích chỉ số của một công ty, sẽ có hàng tá chỉ số khác để lựa chọn thay thế’. Trong thực tế, Vanguard đã không còn sử dụng chỉ số của MSCI từ năm 2012.

MSCI và quyền lực ngầm của những công ty xây dựng chỉ số

Bài viết mới