Trong chương trình Cùng bạn sống khỏe, phát sóng trên kênh VOV FM89, Thạc sĩ – bác sĩ Đỗ Đình Tùng – Phó Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa đã tư vấn về cách chăm sóc bàn chân đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Biến chứng loét bàn chân có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường
Bệnh lý bàn chân là một biến chứng nguy hiểm do bệnh đái tháo đường gây ra, thậm chí người bệnh phải cắt cụt chân. Theo nhiều nghiên cứu, lượng đường máu tăng lên ở người bệnh đái tháo đường trong thời gian dài sẽ dẫn tới các tổn thương thành mạch máu ngoại vi và thần kinh ngoại vi dẫn tới máu không cung cấp đủ cho các mô ở đầu chi, bàn chân. Do đó, các bộ phận này không được nuôi dưỡng dẫn tới tổn thương, loét. Tổn thương thần kinh ngoại vi dẫn đến các vết chai sần ở chân do tăng áp lực lòng bàn chân ở các vị trí khác nhau, dẫn đến tổn thương các mô ở lòng bàn chân, bệnh nhân mất cảm giác khiến người bệnh bị viêm nhiễm, lâu dần bị hoại tử.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm da, nấm kẽ ngón chân, mất cảm giác, móng chân mọc quặp gây viêm nhiễm… Người bệnh đái tháo đường có thể gặp các biến chứng này ngay từ khi phát hiện bệnh. Một số nghiên cứu chứng mình, ở giai đoạn tiền đái tháo đường (giai đoạn chuyển giao giữa người thường và người mắc bệnh đái tháo đường) bệnh nhân đã có thể đã có các biến chứng bàn chân.
Chăm sóc vết thương do biến chứng bàn chân của bệnh đái tháo đường
Người bệnh cần thực hiện chế độ điều trị, ăn uống sinh hoạt nghiêm túc theo chỉ dẫn của bác sĩ và thường xuyên đi khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Người bệnh phải thực hiện tốt việc điều trị bệnh, thường xuyên thăm khám bàn chân để nhận định rõ các yếu tố nguy cơ. Hàng ngày cần kiểm tra bàn chân xem có bất kỳ biến đổi nào như vết phồng rộp, vết chai nhỏ cần kì và làm mềm vết chai, chăm sóc bằng kem dưỡng da, chú ý khi ngâm chân nước nóng để ngăn ngừa bỏng…
Hiện nay, ở Việt Nam có các công nghệ điều trị biến chứng do đái tháo đường như công nghệ kiểm soát nhiễm khuẩn bằng plasma, bắt giữ vi khuẩn tại chỗ bằng băng gạc đặc hiệu, kiểm soát bề mặt hoại tử không gây đau, kích thích vết thương nhanh liền hơn… Người bệnh cần uống thuốc, thực hiện chế độ ăn uống và tuân thủ nghiêm ngặt lịch tái khám bác sĩ đưa ra.
Phòng ngừa biến chứng loét, việc đi giày dép của bệnh nhân cũng rất quan trọng. Nếu đã được thăm khám bàn chân, bác sĩ sẽ có lời khuyên lựa chọn giày dép cho bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên mua giày vào buổi chiều, đế giày cứng nhưng lót mềm, giày vừa vặn với chân, hạn chế giày mũi nhọn, đặt đôi giày phù hợp với chân để giảm áp lực theo tình trạng bàn chân. Với các vết thương nhỏ, bệnh nhân cần vệ sinh đúng cách, băng gạc sớm và hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.