Chuyên gia: Tăng VAT nhưng dân phải được giám sát khoản chi ngân sách

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo tăng thuế giá trị gia tăng ( VAT ) từ mức 10% hiện nay lên 12% vào năm 2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 01/01/2018 và 14% từ ngày 01/01/2021.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, việc ban hành tăng tỷ lệ thu VAT là thể hiện sự đóng góp xây dựng đất nước của toàn dân.

Đây là một trong những cách tạo nguồn thu ổn định cho Nhà nước qua các loại thuế khác nhau, đóng góp vào ngân sách để phục vụ, duy trì sự vận hành hiệu quả nền quản trị quốc gia và quyền lợi của công dân (quốc phòng, thiên tai, an ninh trật tự xã hội, cầu đường, điện nước…). Do đó, chủ trương nâng tỷ lệ VAT từ 10% lên 12% là đúng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, để công tác quản lý và kế hoạch sử dụng nguồn thu từ thuế thật sự hiệu quả trong lúc ngân sách gặp khó khăn, Nhà nước cần thông tin thật rõ về chủ trương này đến toàn dân, làm cho mỗi người dân thấu hiểu thật rõ tầm quan trọng của các khoản chi công có ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của dân như thế nào, quan trọng hơn là người dân thực sự phát huy quyền dân chủ trong giám sát các khoản chi này. Có như vậy mới nhận được sự đồng lòng của toàn dân.

Chính phủ phải thực hiện các biện pháp cụ thể, nghiêm minh, như:Hệ thống kiểm soát thu phải thật sự hiệu quả, đảm bảo sự công bằng, không để xảy ra tình trạng gian lận dẫn đến người thu nhập thấp tham gia nghiêm túc, người thu nhập cao thì chưa nghiêm túc. Cần triển khai nghiêm túc, công bằng ngay từ đầu chủ trương này.

Ngoài ra, các kế hoạch sử dụng ngân sách phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Điều quan trọng là tập trung các khoản chi trọng yếu trước: quốc phòng, thiên tai, an sinh…

Chính những việc làm minh bạch, công khai sẽ là thước đo lòng dân tin vào Chính phủ, từ đó việc thu thuế mới đạt được đồng thuận cao.

Tăng thuế VAT hay không tăng mà chỉ cần chống thất thu thuế?

Bài viết mới