Theo số liệu của diễn đàn M&A Việt Nam, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng trưởng đến gần 12% so với năm 2015. Hoạt động M&A diễn ra sôi động ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt ở ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính và nông nghiệp. Theo đó, các nhà đầu tư ngoại đến từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A tại Việt Nam.
Nhờ rất nhiều ưu điểm, M&A ngày càng trở thành một kênh đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Tuy thế, các trở ngại trên con đường M&A tại Việt Nam cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Vậy liệu M&A có phải con đường duy nhất để thành công?
M&A – chìa khóa thành công của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam
M&A là một kênh giúp nhà đầu tư nước ngoài có bước mở rộng thị trường thần tốc. Khi xúc tiến một thương vụ M&A, nhà đầu tư nước ngoài nhận được sự hỗ trợ đồng bộ hơn là tự dò dẫm, tìm hiểu từng bước tại thị trường mới.
Điểm nổi bật khác của đầu tư qua hình thức M&A là sự an toàn, ít rủi ro cho nhà đầu tư. M&A hạn chế rủi ro mang lại sự an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, việc mua lại một doanh nghiệp trong nước sẽ đồng nghĩa với việc thừa hưởng toàn bộ cơ sở vật chất và nguồn khách hàng ổn định được hình thành trong thời gian dài. So với hình thức đầu tư truyến thống, chiến lược M&A trở thành lựa chọn tối ưu hơn cả vì giúp nhà đầu tư tiết kiệm được tiền bạc, công sức lẫn thời gian.
Đối với các nhà đầu tư có tiềm lực, M&A là phương tiện giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tạo ra lợi nhuận. Một ví dụ tiêu biểu có thể thấy trong ngành bán lẻ Việt Nam. Trong năm 2016, hai tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan là TTC Holdings và Central Group đã lần lượt và riêng rẽ mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry và BigC. Sau hai thương vụ này, các nhà đầu tư Thái Lan đã tiếp tục tiến một bước dài để dần chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Thị trường M&A Việt Nam còn những rào cản cho sự đột phá
Tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam còn lớn, tuy vậy những thách thức và khó khăn khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại cũng không ít. Các rào cản chủ yếu của thị trường M&A Việt Nam bao gồm sự bất cập của hệ thống pháp luật, sự thiếu minh bạch thông tin giữa bên mua và bên bán và sự khác biệt lớn về văn hóa doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật còn tồn tại những hạn chế là điều e ngại lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là việc hạn chế về tỷ lệ nắm giữ cổ phần, vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn duy trì sự chi phối, điều tiết. Các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mong muốn tỷ lệ sở hữu cao tại các ngành, nghề hạn chế phải xin chấp thuận từ các cơ quan Chính phủ, vốn mất rất nhiều thời gian, đơn cử như trường hợp Tập đoàn Damen mua lại 70% vốn của nhà máy đóng tàu sông Cấm vào năm 2016. Ngoài ra, các thủ tục hành chính sau khi kết thúc thương vụ M&A cũng còn hết sức phức tạp và thiếu đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước ở những địa phương khác nhau, làm kéo dài thời gian hoàn tất thương vụ.
Một rào cản đáng kể là sự thiếu minh bạch thông tin giữa bên bán và bên mua cho các giao dịch M&A. Hiện nay một số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, điều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Sự thiếu minh bạch về thông tin còn dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đôi khi được định giá quá cao. Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về các công ty mục tiêu cũng có thể làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến thành công của các thương vụ M&A là văn hóa doanh nghiệp giữa bên mua và bên bán. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với việc có cổ đông nước ngoài hoặc có thêm sự quản lý từ người nước ngoài. Vì thế, khi tiến hành xúc tiến một giao dịch M&A, các nhà quản lý doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp của đối phương và có sự nhạy cảm văn hóa nhất định để thương vụ được suôn sẻ.
Thúc đẩy cải cách hệ thống pháp luật được xem là cách hữu hiệu nhất để tạo “cú hích” cho thị trường M&A Việt Nam. Nhận thấy được những rào cản trên, giới doanh nghiệp và chuyên gia đã có nhiều góp ý đến Chính phủ nhằm gỡ trói thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP nới “room” cho nhà đầu tư ngoại trong việc mua cổ phần trên thị trường chứng khoán. Trong bước đi kế tiếp, Quốc hội đang hướng đến việc thu hẹp “vùng cấm” cho các nhà đầu tư ngoại qua việc xem xét bãi bỏ 67 ngành, nghề hạn chế đầu tư nước ngoài.
M&A có là con đường duy nhất?
Những năm gần đây, các hình thức đầu tư bằng hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao) hay PPP (hợp đồng hợp tác công tư) nổi lên trở thành một kênh đầu tư thay thế cho phương thức truyền thống và M&A.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là khu vực thu hút vốn đầu tư hàng đầu qua hàng loạt các hợp đồng BOT, BT hay PPP được công bố thời gian qua. Ưu điểm của hình thức này là có thể giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư vào những dự án đòi hỏi lượng vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài như kết cấu hạ tầng. Điều này giúp giảm áp lực vốn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tương tự với hình thức M&A, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải đối mặt với hàng loạt cơ chế, chính sách tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc vay vốn cho các dự án không dễ dàng, cộng với thời gian thu hồi vốn kéo dài 15-20 năm và sự thiếu chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư khiến các dự án này chưa làm các nhà đầu tư mặn mà.
M&A không là con đường duy nhất nhưng việc các thương vụ M&A liên tục nổ ra ở mọi lĩnh vực đang chứng tỏ là một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Theo báo cáo của PwC, Việt Nam được dự báo trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Cơ hội đầu tư tại Việt Nam vì thế vô cùng lớn. Với các cam kết cải cách từ Chính phủ và môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi, chúng ta tiếp tục kỳ vọng một sự bùng nổ của thị trường M&A trong tương lai gần.