Cơ quan nhà nước “nghiện quản lý”
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn “nghiện quản lý”. Điều này thể hiện ở việc các quan chức đều viện dẫn lý do tăng cường quản lý mỗi văn bản chính sách mới. Theo ông Anh Tuấn, vấn đề này cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đang nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện để thực hiện mục tiêu.
“Mục tiêu là môi trường trong lành, an toàn, được bảo vệ. Để đạt được mục tiêu đó có nhiều cách thức, công cụ như thuế, phí, tuyên truyền, giáo dục, giám sát xã hội, cấp phép, thanh tra, kiểm tra. Khi đối diện với một vấn đề trong đời sống, cơ quan quản lý nhà nước thường nghĩ ngay đến cấp phép. Đang có sự nhầm lẫn quản lý là mục tiêu” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đại diện VCCI đánh giá sự quản lý của Nhà nước đang tạo ra sự đắt đỏ, kém cạnh tranh. Cơ quan quản lý dễ dàng đặt ra quy định nhưng không nghĩ tới chi phí của doanh nghiệp. Và những người tuân thủ đúng lại mất lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Xu hướng điển hình của các điều kiện kinh doanh hiện tại là áp đặt theo quy mô, can thiệp vào thị trường bằng các mệnh mệnh hành chính.
“Rất nhiều chương trình hành động được đưa ra. Nhưng nói thì nhiều, ban hành nhanh, nhưng bãi bỏ thì cả năm trời” – ông Đậu Anh Tuấn đánh giá.
“Nghiện quyền lực” hơn “nghiện quản lý”
Trao đổi thêm về ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cơ quan quản lý đang “nghiện quyền lực”.
“Có phải họ thích quản lý không? Quản lý để mọi thứ ngay ngắn. Cái nghiện chính là nghiện quyền lực. Đó mới là cái họ thích. Các cơ quan quản lý đã lạm quyền và đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh vượt quá luật” – bà Phạm Chi Lan nói
Thực tế, mọi việc cần giải quyết đều yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều bộ. Điều này dẫn đến việc không ai chịu trách nhiệm, thiếu trách nhiệm giải trình. Quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp cũng thiếu lành mạnh, giảm sức cạnh tranh về thể chế.
“Thể chế là một tiêu chí cực kỳ quan trọng. Thể chế không cạnh tranh nổi thì làm sao có được các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Tất cả các cách thức xử lý hiện nay chỉ nuôi dưỡng thêm sức ì, hoặc sự phản ứng với cải cách” – Bà Phạm Chi Lan đánh giá.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định rằng, cạnh tranh mới là điều làm cho nền kinh tế ngày càng hiệu quả. Cạnh tranh mang lại lợi ích cho các bên từ người sản xuất, cung ứng, lao động,… nền kinh tế cũng ngày càng trở nên năng động, cải thiện tiềm năng tăng trưởng.
“Vì vậy, phải điều chỉnh luật pháp và chính sách để quy mô và cường độ cạnh tranh tăng lên. Nhà nước phải loại bỏ rào cản bất hợp lý, hạn chế rào cản gia nhập thị trường, xóa bỏ phân biệt đối xử hạn chế cạnh tranh, bảo đảm tiếp cận công bằng để thị trường cạnh tranh hơn. Cần xem xét lại các luật lệ,… để quy mô và mức đô cạnh tranh của thị trường tăng lên” – ông Nguyễn Đình Cung cho biết.