– Liên quan tới dược phẩm, ở Việt Nam, có những giai đoạn chúng tôi thiếu vắc xin trầm trọng hay có lúc là các loại thuốc đặc trị, đặc biệt là các loại thuốc hiếm. Xin các vị chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên APEC đã thành công trong lĩnh vực quản lý dược phẩm?
– Bà Kathryn Clemans, đồng chủ tọa Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống (LSIF) do APEC tổ chức – Tại cuộc họp APEC, chúng tôi có những đối thoại chính sách cao cấp có liên quan tới hài hòa quy định, trong đó chúng tôi xem xét xây dựng năng lực quản lý của các nền kinh tế mới nổi đồng thời nhấn mạnh liên kết đó với các nền kinh tế khác. Để thực hiện điều này, chúng ta cần dựa vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của các nước phát triển đã thành công.
Bà Kathryn Clemans. Ảnh: Linh Anh
Trên thế giới, có những trung tâm xuất sắc được xây dựng nhằm đào tạo các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhằm giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt ngay từ sớm. Hiện tại, có 16 trung tâm xuất sắc chuyên đào tạo cho các cơ quan quản lý dược phẩm đã được xây dựng. Khi liên kết với họ, người dân trong khu vực APEC sẽ có cơ hội tiếp cận các loại thuốc khi họ cần.
– Các vị đồng chủ tọa đều nhận định đầu tư cho Y tế là đầu tư cho phát triển. Vậy đảm bảo tài chính cho y tế có phải điều kiện tiên quyết và quan trọng để đạt được mục tiêu với ngành y tế hay không?
– Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Cuộc họp lần này, với một chuỗi các hoạt động đã diễn ra, cho thấy các diễn giả và đại biểu rất quan tâm đến vấn đề tài chính cho y tế dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển. Với chủ đề Y tế và Kinh tế, các đại biểu đã thảo luận sâu về vấn đề này.
Quá trình thảo luận cho thấy Việt Nam có những vấn đề với đầu tư cho Y tế và nước ngoài cũng vậy. Vấn đề không chỉ là huy động được các nguồn đầu tư mà còn phải sử dụng nguồn lực hiệu quả, tránh gây lãng phí. Để thu được hiệu quả cao nhất, từ nhân lực, tài chính tới cơ sở vật chất đều phải được phân bổ hợp lý và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn. Ảnh: Linh Anh
Trong khuôn khổ chương trình đối thoại, các nước phát triển cũng nêu lên những vấn đề mà họ phải đối mặt đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục. Ví dụ như Nhật Bản. Dù là nước có tỷ lệ người cao tuổi rất lớn nhưng Nhật vẫn là quốc gia đi đầu trong việc huy động tài chính cho chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, nước Nhật từng có thời kỳ lao đao vì số tiền chi cho người cao tuổi quá lớn, vượt xa khả năng huy động.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do sự tập trung quá nhiều vào bệnh viện và các viện dưỡng lão. Nhằm khắc phục nó, nước Nhật đưa ra một chiến lược kéo dài 10 năm nhằm đưa việc chăm sóc người cao tuổi từ các cơ sở dưỡng lão về với gia đình và cộng đồng. Hiện tại, các nước phát triển như Australia, Anh hay Mỹ cũng đang thực hiện sách lược giống của người Nhật.
Nó cho thấy sự lựa chọn dịch vụ. Về Kinh tế Y tế, người Nhật thấy rằng mô hình chăm sóc tốt nhất cho người cao tuổi không phải ở các viện dưỡng lão mà ngay chính trong cộng đồng và gia đình. Giải pháp này cũng phù hợp với vấn đề văn hóa, khi những người cao tuổi được ra đi bên cạnh con cháu.
Từ những ví dụ này, tôi cho rằng huy động nguồn lực là quan trọng nhưng sử dụng nguồn lực còn đóng vai trò quan trọng hơn.
– Liệu có bài học nào về huy động nguồn vốn cho Y tế mà các chuyên gia có thể chia sẻ tại Việt Nam?
– Bà Maureen Goodenow – đồng chủ tọa Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống (LSIF) do APEC tổ chức: Ngày hôm nay, chúng tôi nghe những góp ý từ các nền kinh tế nhằm giúp cho mọi đồng đầu tư vào y tế đều hiệu quả tối đa. Chúng ta cũng cần sử dụng từng đồng tiền một cách thông thái trong bối cảnh các nước đều có ngân sách hạn chế. Chính phủ các nước cũng cần chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn ngân sách cho y tế.
Bà Maureen Goodenow. Ảnh: Linh Anh
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Bên cạnh tăng cường nguồn lực, hiện nay, có nhiều chương trình triển khai song song nên chúng ta cần làm sao để tránh chồng chéo. Đây là điểm quan trọng nhằm tiết kiệm nguồn lực. Bên cạnh huy động, điều phối tốt là yếu tố then chốt giúp có thêm tiền đầu tư cho y tế.