Cholesterol cao – thấp, cholesterol xấu – tốt – Các bạn hiểu như thế nào về các khái niệm này? Và cholesterol là gì và có vai trò như thế nào trong sự phát triển của cơ thể? Hay là kiểm soát cholesterol như thế nào để có lợi đối với sức khoẻ? Những câu hỏi này được Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo – Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Bệnh viện Lão Khoa Trung giải đáp trong chương trình Cùng bạn sống khỏe phát sóng trên kênh FM 89.
Trong y học, cholesterol là một chất béo có mặt ở mọi màng tế bào của các mô, và được vận chuyển trong huyết tương của động vật. Cholesterol nội sinh được sản xuất hàng ngày tại gan với mức 1,5 – 2g. Nó đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa, tái tạo màng tế bào của cơ thể nhưng lại được biết đến nhiều nhất là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch… Trong thực tế, cholesterol là thành phần quan trọng trong nhiều cơ quan, hormone của cơ thể, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường, khỏe mạnh. Vấn đề đặt ra ở đây là sự rối loạn giữa các cholesterol dẫn đến bệnh lý, mà phổ biến nhất là xơ vữa động mạch và các biến chứng kèm theo.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, có 2 loại cholesterol trong cơ thể và chúng có tác động khác nhau đến cơ thể: cholesterol LDL, cholesterol HDL. Khi loại cholesterol xấu chiếm ưu thế, nó dẫn đến nhiều bệnh tim mạch và biến chứng nguy hiểm. Cholesterol có từ 2 nguồn, nội sinh do cơ thể tự tổng hợp (chiếm 75%) và ngoại sinh bắt nguồn từ thức ăn.
Khi đi khám sức khỏe, chỉ số cholesterol trong máu là điều đáng lưu tâm nhất. Mức cholesterol cho phép trong cơ thể là 3,6 – 5,2. Cholesterol xấu cao trong máu sẽ lắng đọng ở các thành mạch máu, nhất là ở tim và não, gây hẹp tắc mạch máu. Dẫn đến vỡ mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát chế độ ăn uống để giảm nguy cơ tăng cholesterol trong máu và các bệnh tim mạch.
Thông thường, chỉ số cholesterol ở những người béo phì thường rất cao và đây cũng là nhóm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất. Tuy nhiên, những người gầy cũng không nên chủ quan với bệnh tim mạch. Nhiều tường hợp chỉ số cơ thể BMI thấp hơn 18 nhưng chỉ số mỡ máu vẫn cao do yếu tố di truyền, lối sống. Người đã mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch càng cần đặc biệt quan tâm đến các chỉ số cholesterol trong máu.
Cholesterol tăng cao được cho là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, chất này còn kích thích niêm mạc mạch máu, làm xơ cứng động mạch. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo khuyên tất cả mọi người thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực vận động và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tiền sử bệnh tim… cần chú ý hạn chế các loại thức ăn có nguồn gốc động vật, mỡ động vật như bò, thịt lợn,cừu, bơ kem, pho mát, thịt gia cầm béo, đồ ăn chiên rán, thức ăn chế biến sẵn… Bởi chúng là nguyên nhân chính làm tăng lượng cholesterol trong máu.
Chế độ luyện tập đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc đốt cháy mỡ thừa, điều chỉnh lipid máu. Bạn nên tập duy trì 30 phút mỗi ngày đều đặn thì tốt hơn việc tập gián đoạn. Kiểm soát cân nặng và các thói quen lành mạnh mỗi ngày, tránh căng thẳng… góp phần tích cực đối với việc điều chỉnh cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.