Như tin đã đưa, Thành phố Hà Nội đang chủ trương xây dựng hai khu liên cơ quan (khu hành chính tập trung) để dồn chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc. Khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) rộng 4.000m2, hiện đã xây dựng xong một tòa nhà 18 tầng và một tòa 14 tầng. Khu này đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện các hạng mục để bắt đầu từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ chuyển 8 đơn vị về đây làm việc.
Theo kế hoạch, sau khi chuyển 8 cơ quan, gồm các Sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, những trụ sở cũ của các Sở, ngành nằm tại vị trí “đất vàng” sẽ được bán đấu giá công khai để xây dựng thêm một khu liên cơ nữa tại quận Hai Bà Trưng.
Việc Hà Nội công bố kế hoạch sau khi di dời 8 sở, ngành về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, sau đó sẽ bán đấu giá các trụ sở cũ để lấy kinh phí xây dựng thêm một khu liên cơ thứ hai tại quận Hai Bà Trưng đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia và người dân.
Tuy nhiên, trước việc vài năm trở lại đây, trong nội thành Hà Nội, tại những vị trí “đất vàng”, “đất kim cương” liên tục mọc lên những cao ốc, làm gia tăng áp lực giao thông nên khu vực nội đô, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng tại nhiều tuyến phố, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại, việc mang 8 trụ sở “đất vàng” này ra đấu giá sẽ khiến cho các vị trí này có nguy cơ bị tận dụng để xây cao ốc.
Trao đổi với BizLIVE, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc những sở, ngành cũ sắp di dời đều nằm trong nội đô cho nên có giá rất cao. Vì vậy, nếu đem đấu giá phải hết sức công khai, minh bạch và phải theo giá thị trường.
Tuy nhiên, theo bà An, dù có bán đấu giá cũng phải duyệt theo quy hoạch. Tức là đất cũ nhưng phải xem quy hoạch và phải tuân thủ tuyệt đối quy hoạch đã được phê duyệt.
“Đầu tiên đất cũ phải phục vụ đúng mục đích, đúng quy hoạch ở vùng cũ. Thứ hai, trên cơ sở đó có quyền mang ra đấu giá. Việc đấu giá này phải minh bạch. Tuy nhiên, không được sử dụng sai mục đích. Tức là vùng đó đã được quy hoạch chỉ được xây nhà 5 tầng thì anh đấu giá được cũng không được xây khách sạn 20 tầng. Mục đích sử dụng phải rõ ràng và phải tuân thủ quy hoạch trước đây đã duyệt”, bà An nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, nếu đem “đất vàng” ra đấu giá nhưng lại không cho xây dựng cao ốc, liệu doanh nghiệp có hào hứng?, bà An cho rằng, việc này dứt khoát phải hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, chứ không được phép nghiêng về bên nào.
Theo bà cựu Đại biểu Quốc hội Hà Nội, doanh nghiệp có thể kinh doanh khách sạn nhưng không phải khách sạn nhiều tầng hay có thể xây nhà theo hình thức homestay. Vì vậy, nếu anh đáp ứng được yêu cầu tôi sẽ cho đấu giá. Anh cảm thấy có lời thì vào chứ dứt khoát phải giữ mục đích, không được phá vỡ quy hoạch.
“Thực ra mà nói, những vị trí đó đều là “vị trí vàng” cho nên chỉ cần xây thấp tầng người ta vẫn có thể khai thác được. Còn bao giờ doanh nghiệp cũng đều mong có lợi cho mình. Vì vậy, dù có tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì cũng phải hài hòa”, bà An nói.
Cùng quan điểm, TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP.Hà Nội cho rằng, bán đấu giá là xu thế cần nhưng cần xác định nó là các chứng chỉ quy hoạch, các chỉ tiêu quy hoạch từng khu vực trước khi bán đấu giá, chứ đừng để bán đấu giá đất không, vì với cơ chế xin cho như hiện nay lại làm tăng áp lực dân số, hạ tầng giao thông.
“Phải xác định chức năng sử dụng với chỉ tiêu xây dựng của từng khu vực một, rồi mới bán đấu giá. Không nên bán đấu giá đất không mà phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch và các chức năng sử dụng đất”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nói.