Bệnh đái tháo đường có thể để lại nhiều biến chứng như tàn phế, thậm chí tử vong cho người bệnh.
Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường gồm 3 yếu tố, một là biến chứng không kiểm soát được đường máu; thứ hai là biến chứng về mạch máu tức là mạch máu nuôi dưỡng chi bị kém đi; thứ ba là có biến chứng về thần kinh kinh làm cho người bệnh mất cảm giác, đi hoặc dẫm lên vật sắc nhọn mà không biết.
Có những người bệnh bị biến chứng do tổn thương rất đơn giản như cắt một móng chân không đúng cách cũng có thể nhiễm trùng .
Nguy hiểm hơn, khi nhiều người bệnh bị đái tháo đường vẫn chưa hiểu đúng hết về bệnh, dẫn đến các sai lầm nghiêm trọng trong điều trị đái tháo đường.
PGS Nguyễn Khoa Diệu Vân – Trưởng khoa Nội tiết, Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàng ngày tại Khoa gặp rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 điều trị sai lầm dẫn đến các biến chứng.
Tái sử dụng đơn thuốc rất nguy hiểm
5 sai lầm trong điều trị mà bệnh nhân ĐTĐ hay mắc phải
Thứ nhất – kiêng đường
Bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.
Rất nhiều bệnh nhân đái đáo đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng, bởi một bữa ăn của người đái tháo đường cũng phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…
Bên cạnh đó, việc luyện tập thể dục thể thao cũng là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và kiểm soát đường máu của bệnh nhân.
Thứ hai – chỉ cần một đơn thuốc là khỏi
Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, phải điều trị cả đời. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân nghĩ rằng, chỉ cần với một đơn thuốc của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn, sau khi hết đơn thuốc thì không cần tái khám.
Tuy nhiên, nếu ngừng thuốc thì chỉ số đường máu sẽ tăng cao và nếu không được kiểm soát thì bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng đáng tiếc.
(Ảnh minh họa)
Thứ ba – Sai lầm trong theo dõi đường máu
Rất nhiều người bệnh thắc mắc rằng, tôi theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào tôi cũng thử đường máu và đều thử vào buổi sáng khi đói, vậy tại sao tôi vẫn bị biến chứng? Chuyên gia cho biết đấy là một sai lầm, vì bệnh nhân không phải chỉ cần thử đường máu một tuần một lần và thử vào lúc đói, mà chúng ta vẫn cần theo dõi đường máu sau ăn.
Việc tăng đường máu sau ăn quá cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cho người bệnh tiểu đường. Do đó người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn. Không phải chỉ theo dõi đường máu 1 lần trong 1 tuần, mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 tuần, nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định, khi đó bạn mới giảm dần số lần thử đường máu.
Thứ tư – Bỏ qua tăng huyết áp
Đối tượng mắc đái tháo đường tuýp 2 đa phần là người lớn tuổi, bên cạnh đái tháo đường họ còn các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu…
Tuy nhiên, sai lầm của những người bệnh này là chỉ chăm chăm kiểm soát đường máu mà quên mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu. Đây cũng là 2 yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh
Thứ năm – Sử dụng đơn thuốc chung
Đây là tình trạng rất phổ biến, nhiều người bệnh đái tháo đường sử dụng chung đơn thuốc của người quen hoặc người thân mách bảo. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi bệnh nhân sẽ có một cơ chế đáp ứng thuốc khác nhau, cũng như có một mục tiêu, một tiêu chí điều trị khác nhau.
Do đó chúng ta không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Chính tình trạng sử dụng chung đơn thuốcđôi khi đã gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn, như tình trạng tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan suy thận…
Chuyên gia chỉ rõ nguyên tắc để sống chung với bệnh đái tháo đường
Theo PGS Vân, để sống chung với bệnh đái tháo đường, mỗi người bệnh phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa của mình để nhận được mục tiêu điều trị riêng cho bản thân mình. Như vậy, mỗi người bệnh sẽ được sử dụng những loại thuốc khác nhau để có thể kiểm soát đường máu của mình.
Bên cạnh đó, người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng.
Bệnh nhân cũng nên thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ. Điều này giúp bệnh nhâ biết được rằng đường huyết đang ở mức độ nào, để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.