Thành công là đích đến của rất nhiều người. Tuy nhiên, để có thể vươn tới cái đích ấy, nhất định cần phải có “tĩnh khí”. Bình tĩnh sẽ giúp bạn rèn luyện bản lĩnh vững vàng. Ngay cả khi sóng gió ập tới trước mặt, thậm chí gặp phải chuyện tưởng như không thể cứu vãn được, sự bình tĩnh vẫn sẽ mang đến cho bạn cách giải quyết tốt nhất.
Trở lại với vị phú thương, chuyện kể rằng, khi xưa có một phú thương vì thời thế loạn lạc nên muốn về quê sinh sống. Bấy giờ, ông đem tất cả gia sản đổi thành chi phiếu, sau đó cất công đặc chế một chiếc ô (dù) có cán rỗng để nhét tất cả ngân lượng vào ngăn bí mật trong đó.
Sau khi chuẩn bị hành lý, phú thương thay đổi y phục giống dân thường, mang theo chiếc ô có chứa tất cả tài sản và lên đường hồi hương. Không ngờ rằng, con đường về quê của ông lại đột nhiên xảy đến một biến cố bất ngờ.
Khi đó, phú ông vì mệt mỏi nên dừng chân tại một ngôi đình và ngủ một giấc. Nào ngờ sau khi tỉnh dậy, chiếc ô cất chứa gia tài của ông đã “không cánh mà bay”.
Nhưng phú thương dẫu sao cũng từng là một kẻ lão làng trên thương trường, khi biến cố đột nhiên xảy đến, ông dù hốt hoảng nhưng rất nhanh đã lấy lại bình tĩnh.
“Sao phải lo lắng về những thứ bạn không thể thay đổi? Hãy buông bỏ và tiếp tục tiến lên vì cuộc sống không chờ đợi ai”. Vị phú thương nhận thức được rằng của đã mất đi là có thật, công việc tiếp theo của ông không phải là hốt hoảng, than thân, mà tìm cách lấy lại được những gì đã mất.
Vị phú thương cẩn thận quan sát xung quanh. Thấy bọc tay nải mình mang theo vẫn không thiếu thứ gì, ông kết luận rằng có người lấy cây dù kia để che mưa chứ không nhằm mục đích trộm của cải.
Tiếp tục suy nghĩ sâu xa hơn, ông lại khẳng định người lấy ô có tới tám, chín phần sống ở khu vực lân cận. Người này hẳn là trên đường đi về nhà gặp phải cơn mưa và trú dưới mái đình, khi thấy chiếc ô của ông thì tiện tay mang đi.
Vì vậy, vị phú thương ấy quyết định tạm hoãn chuyến hồi hương của mình, mua một ít đồ nghề, ở lại đó mở một sạp chuyên sửa chữa ô dù.
Thoáng chốc đã một năm kể từ ngày chiếc ô biến mất không tung tích. Vị phú thương vẫn kiên trì chờ đợi ở ngôi đình, nhưng chưa hề gặp lại chiếc ô năm ấy.
Trong lòng chất chứa nhiều thất vọng, nhưng ông vẫn không nản chí. Cẩn thận suy nghĩ thêm một chút, ông nhận ra rằng, khi ô đã cũ, có nhiều người sẽ mua một chiếc mới thay vì mang chúng đi sửa.
Nghĩ vậy, ông quyết định mở một sạp bán ô, lại viết thêm một tấm bảng hiệu có ghi: “Đổi ô cũ lấy ô mới, không phải bù thêm tiền”.
Quả nhiên số người tới đổi ô đông không đếm xuể. Không lâu sau đó, có một người đàn ông trung niên cầm theo một chiếc ô làm từ giấy dầu đã cũ tìm đến vị phú thương ấy.
Chỉ vừa nhìn thoáng qua một cái, ông đã biết chiếc ô cũ nát trên tay người kia chính là thứ cất chứa gia tài tích cóp cả đời của mình. Chiếc ô không còn mới, nhưng phần cán ô chẳng hề có lấy một chút suy chuyển nào.
Phú thương trong lòng dù mừng vui khôn xiết, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra điềm tĩnh, từ tốn đổi cho người đàn ông nọ một chiếc ô mới rồi nhận lại ô cũ.
Người kia vừa rời đi, phú thương liền thu dọn sạp hàng, hồi hương sống một cuộc đời giàu sang, phú quý.
Bài học thành công chỉ gói gọn trong chữ “tĩnh”.
Giống như vị phú thương trong câu chuyện, cẩn thận suy nghĩ, lẳng lặng chờ đợi, sau cùng cũng thu về kết quả như bản thân mong muốn. Khi biến cố xảy đến, ông đã bình tĩnh đối mặt, tỉnh táo suy tính để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Cũng có một câu chuyện xưa kể lại rằng có 1 vị thư sinh nghèo nọ sống bằng việc viết thư sách, câu đối cho người ta. Hôm đó là ngày cuối năm giáp tết, viết được nhiều câu đối nên được thêm chút tiền, chàng liền mua 1 con gà trống và dặn người bán mang đến tận nhà cho vợ mình.
Người vợ nhận được gà, đun nước chuẩn bị làm thì 1 người đầy tớ nhà hàng xóm giàu có bên cạnh vội vàng chạy vào, giật lấy con gà và mắng: “Chậm tí nữa thì tiêu” rồi nhấc con gà đi thẳng. Người vợ chỉ im lặng không nói gì.
Đến tối thư sinh về, không thấy thịt gà bày mâm cỗ, ngạc nhiên hỏi vợ: “Sao không làm thịt gà vậy?”.
Người vợ trả lời: “Xin lỗi chàng, tại thiếp vụng về để nó bay mất!” – chàng thư sinh chỉ nói: “Cũng tại ta bất tài, không kiếm đủ tiền mua chút thịt heo thì đã không xảy ra chuyện này”.
Sáng hôm sau là ngày đầu năm mới, bất ngờ vị gia chủ giàu có bên cạnh sang chơi chúc tết. Ông nói với vị thư sinh: “Người đại nhân đại nghĩa như cậu sau này ắt có tiền đồ tốt. Tôi biết cậu không đủ tiền lên kinh ứng thí, nhưng không lo, tôi có ý cho cậu mượn tiền, không phải chịu lãi, không phải định hạn trả, để lên kinh lo chuyện thi cử”. Nói xong, vị phú hộ nọ ra về và sai anh đầy tớ mang sang 200 lượng bạc đưa cho anh thư sinh nọ, nói là chủ dặn mang sang đưa cho vị tú tài làm lộ phí lên kinh thành.
Người đầy tớ cũng nhận lỗi: “Thật sự xin lỗi, hôm qua đã nhận sai gà, tối qua ông chủ về và phát hiện con gà nhà tôi đi lạc ngay trong góc bếp, vậy mà vợ chồng thư sinh vẫn không một chút động tĩnh khi bị tôi cướp ngay con gà trên tay. Thật sự xin lỗi”. Nói xong người đầy tớ cũng vội lui về.
Đến lúc này vị thư sinh vẫn đang hoang mang quay sang vợ. Người vợ mới kể rõ: “Hôm qua vị đầy tớ nhà hàng xóm sang nhà lấy gà nhà chúng ta mang đi, thiếp sợ chàng nổi giận khiến cả nhà hàng xóm ăn tết mất vui, mà nhà ta cũng mất vui mấy ngày tết, nên mới nói gà bay mất rồi, không ngờ gà lạc nhà hàng xóm đã tìm lại được, mới biết nhận nhầm gà nhà ta”.
Vị thư sinh nhờ 200 lượng bạc nhà phú hộ, lên kinh ứng thí và đỗ cao kỳ thi năm đó.
Trong cuộc sống, điều cần nhất vẫn là bình tĩnh. Có một câu danh ngôn đại ý rằng, nếu 1 việc có thể giải quyết được, thì chắc chắn có hướng giải quyết, còn nếu 1 việc không thể giải quyết được, thì có lo nghĩ cũng không thể xử lý nó.
Quan trọng là “đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào chính mình“, chỉ cần tin là mình có thể làm được thì bạn đã có thêm lý do để cố gắng thực hiện mọi thứ.