Kinh doanh dưới cái nhìn của mỗi người đều có những điểm khác biệt. Có người, ngay từ lúc lớn lên đã nuôi trong mình dòng máu kinh doanh, họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ những cái nhỏ nhất. Có người, do dòng đời xô đẩy, họ cần bước chân vào lĩnh vực kinh doanh để nuôi sống mình trước khi nuôi dưỡng những đam mê riêng, có người lại xem kinh doanh là chuyện hiển nhiên, kiểu như nó đã là vậy, không đam mê, không thích thú vẫn làm, bởi đó là công việc. Còn có những người lại luôn nghĩ rằng mình chẳng bao giờ hợp với kinh doanh, mình nên làm một nghề gì đó tránh xa nó ra…
Thực ra, kinh doanh rất đa dạng, không có một định hình khuôn mẫu nào. Còn nhớ ngày nhỏ đến trường, những đứa trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc hơn, năng động hơn, đã biết mua những lọ bạc hà, những thanh quế, những chiếc kẹo lên trường “bán bớt” lại cho bọn bạn, hay đổi chác lấy món gì đó mình chưa có. Đó cũng là manh nha một hình thức kinh doanh…
Không phải ai cũng hợp với kinh doanh. Một vài mẩu chuyện nhỏ dưới đây để chúng ta thấy, kinh doanh thật dễ mà cũng thật khó. Cùng khởi nghiệp với vốn 200 triệu trong tay, cùng khởi nghiệp bằng việc kinh doanh cafe, hãy xem kết quả thế nào.
Thất bại do không tính toán kỹ khoản “trích lập dự phòng”
Anh Q. một sinh viên mới ra trường, có thêm 2 năm đi làm thêm để “học hỏi kinh nghiệm” ở một quán café lớn, quyết định dùng hết 200 triệu đồng vốn liếng bố mẹ dành cho để lập nghiệp. Theo tính toán của anh Q, theo kinh nghiệm phụ việc mấy năm ở quán cafe, anh thấy rằng, kinh doanh quán cafe thật dễ, một vốn có đến 1 lãi.
Tính toán kỹ, anh Q. lên kế hoạch tìm địa điểm phù hợp. Một quán cafe đông khách phải gần các trường đại học, phải gần các công sở, nhà máy, khu văn phòng…, những nơi như thế sẽ có một lượng khách cố định. Anh Q. chọn cho mình một địa điểm gần trường Đại học lớn.
Vị trí đắc địa đã có, một kiot có diện tích 50m2. Tiền thuê 10 triệu/tháng, trả trước 6 tháng. Anh đã tiêu đi 60 triệu đồng. Thêm 50 triệu sửa sang, trang trí lại quán phù hợp, sắm sửa bàn ghế; mua nguyên liệu ban đầu, mua sắm các loại máy móc chuyên dụng, dụng cụ cần thiết. Mọi việc đã xong, anh tuyển nhân viên, từ vị trí pha chế, chạy bàn… Anh còn lại 90 triệu.
Anh Q. cho biết, theo kinh nghiệm anh có được, bạn cần xác định thời gian đầu kinh doanh chưa thể có thu nhập, chứ đừng nói đến lãi, nên cần tích trữ một khoản tiền để “tiêu” cho những tháng đầu khó khăn đó.
Tuy nhiên, anh Q. không tính được rằng, quán anh mới mở, chưa có gì đặc sắc để cạnh tranh với những “quán quen” lâu năm, nên lượng khách không nhiều. Sinh viên lại là những đối tượng thích những vị trí có không gian chung thật đẹp để còn “chụp ảnh checkin”. Do vậy, việc vắng khách thời gian dài là điều không thể tránh khỏi. Số tiền 90 triệu đồng chỉ đủ để anh duy trì hoạt động, trả lương nhân viên được vài tháng, sau đó là những quãng thời gian anh lo chạy vốn để duy trì quán. Không lâu sau đó, chính anh đã phải ngậm ngùi quyết định đóng cửa do không đủ sức kham nổi chi phí.
Anh Q. đã thất bại chỉ vì cách tính toán chi phí đầu tư, chi phí duy trì quán là chưa hợp lý. Khoản “trích lập dự phòng” 90 triệu đồng cho một quán quán cafe để “sống sót” trong những ngày đầu lập nghiệp là chưa đủ.
Cũng 200 triệu, anh T. đã khởi nghiệp thành công
Cũng 200 triệu đồng, anh T. bắt đầu khởi nghiệp từ một quán cafe nhỏ. Địa điểm anh chọn là một khu vực có mấy tòa nhà văn phòng công ty đóng trụ sở. Anh T. chọn cho mình một ngôi nhà nhỏ, trước là một quán ăn, nay gia chủ chuyển đi xa muốn cho thuê lại. Tiền thuê cũng 10 triệu/tháng, nhưng anh T. đàm phán với chủ nhà, rằng anh sẽ sửa sang, ốp đá lại toàn bộ thật sạch đẹp, và xin chủ nhà miễn cho 6 tháng tiền thuê nhà đầu tiên.
Thấy hợp lý, chủ nhà đồng ý. Anh T. bắt tay vào sửa chữa, tường được ốp đá sạch sẽ, trên tường là những bức hình 3D sinh động đầy màu sắc, và làm cho không gian thêm phần rộng rãi, sống động. Thêm cả bàn ghế, dụng cụ các loại, anh T. cũng mới chỉ chi hết 60 triệu đồng. Số còn lại 140 triệu đồng, anh “để dành” cho những tháng ngày ít khách ban đầu.
Với cách chi tiêu tiết kiệm, thuê nhân viên pha chế, 1 nhân viên phụ việc, còn chính bản thân anh cũng trở thành người phục vụ trong những ngày khó khăn ban đầu, đến nay quán anh T. đã đông khách. Anh T. cũng đã thuê thêm được gian nhà bên cạnh cũng của một bác nhiều tuổi trước bán tạp hóa, nay con cháu đi xa bác không đủ sức làm. Thế là, công việc làm ăn của anh T. ngày càng phát triển, anh thuê thêm nhân viên, còn mình trở thành người chỉ đạo chung.
Anh T. kể, với những khách hàng là các nhân viên công sở, họ không cần quán trang trí lộng lẫy, mà họ cần những không gian yên tĩnh để thư giãn, để bạn bè đồng nghiệp có thể tranh thủ gặp nhau lúc giải lao, để bàn việc với đối tác. Do vậy, chẳng mấy chốc mà chỗ của anh đã đông khách lên, lượng khách cố định hàng ngày cũng đã tăng mạnh. Không được 1 vốn 1 lời như đồn đại, nhưng anh T. cho biết, 10 ngàn vốn bỏ ra, nếu tính toán kỹ, thì việc thu lãi từ 3 ngàn đến 4 ngàn đồng là không quá khó.
Kinh doanh, không nhất thiết phải “đầu tư lớn”
Cũng là kinh doanh đồ uống, anh P. lại nghĩ đến 1 mô hình kinh doanh mới. Theo khảo sát, trong khu đô thị nơi anh sống, khi vào mỗi quán café, gọi 1 ấm trà mạn để uống, thì giá từ 20 đến 25 ngàn đồng cho mỗi ấm. Anh tính toán, với loại chè ngon nhất anh thường pha uống ở nhà, mỗi ấm chè bình quân cũng chỉ 10 ngàn đồng là cao lắm. Nếu anh bán với giá 15 ngàn đồng, anh đã có lãi. Mà rẻ, lượng khách đông, anh lại còn lãi lớn.
Lợi thế hơn mọi người, anh P. là người mê uống trà, anh tâm sự, đi đâu gặp những bộ ấm uống trà đẹp là anh mê mẩn, hiện trong nhà anh có khoảng 20 bộ ấm trà các loại, và anh dùng chúng tùy hứng khác nhau. Anh cũng nhận thấy, nhiều người trong khu vực anh sống, đến quán nước chỉ để gọi ấm trà ngồi chuyện trò. Anh P. quyết định vừa kinh doanh kiếm lời, vừa tạo thú vui cho mình.
Căn nhà phố anh đang ở cũng là một lợi thế lớn, anh không phải mất tiền thuê địa điểm. Lập tức anh bắt tay vào dọn dẹp tầng 1 để được trang trí như ý mình. Những mẫu đồ gỗ lâu nay là thú vui của riêng anh được mang xuống, sắp xếp bài trí lại trong sảnh tầng 1. Trên tường là những bức tranh, những họa tiết trang trí bằng gỗ mà anh kỳ công sưu tầm bấy lâu nay.
Bàn ghế, anh quyết định chọn mua mấy loại thật đặc biệt kiểu như những bộ bàn ghế đơn giản bằng gốc cây nhỏ vừa phải. Công tác chuẩn bị của anh không quá tốn kém, bởi vật dụng này hầu hết là đồ anh đã có sẵn. Một điểm đặc biệt khác tại quán anh mà không một quán nước nào trong khu vực này có, là việc cả ngày luôn luôn thoảng thoảng mùi trầm hương. Anh P. cho biết, bình thường trong nhà anh đã thường xuyên đốt trầm rồi, nên đây cũng không hẳn là một khoản chi phí, mà để phục vụ chính mình là chính rồi.
Anh P. cũng nói vui, dù không có khách thì anh cũng không “lỗ” được, bởi ít nhất “anh chính là khách hàng thân thiết của anh”. Anh nói thêm, ra ngoài quán uống nước, vừa không được ngon như trà mình, mà ở đây thoải mái, bạn bè có thể qua chỗ anh ngồi uống trà nói chuyện thay vì kéo nhau ra quán.
Tính toán của anh P. không nhầm, từ khi quán nhỏ của anh hình thành, ngày nào cũng khá đông vui, đặc biệt các bác lớn tuổi chỉ thích thưởng trà. Mỗi hôm các bác dùng một loại ấm trà khác nhau đã là một niềm vui không hề nhỏ rồi. Ngồi thưởng trà trong không gian yên tĩnh, mùi trầm phảng phất nữa thì thật tuyệt. Quán của anh cũng vì thế mà “tiếng lành đồn xa”, cư dân khu đô thị đó cứ mỗi lần định đi uống trà là lại nhớ tới anh.
Anh P. còn tiết lộ “lãi cũng không hề ít đâu nhé, mà rất vui và thấm tình làng xóm”.
Đầu tư ít, nhưng đúng thời cơ, đúng vị trí
Không phải quán nước, quán cafe, chị L. kể câu chuyện kinh doanh của mình. Nhà chị ở trong một khu đô thị riêng biệt. Cuối tuần hay vào những dịp nghỉ lễ, mọi người thường kéo về đây vui chơi, giải trí, kèm theo đó là những đơn vị tổ chức trò chơi, sự kiện cũng đến.
Chị L. nói, mỗi lần có các cháu đến chơi, đưa ra khu vực vui chơi, các cháu luôn hứng thú với mấy trò xúc hạt nhựa, hay trò câu cá. Quan sát, chị thấy không chỉ trẻ em bên ngoài, mà cả những đứa trẻ trong chính khu vực chị sống cũng chỉ chờ đến cuối tuần để được bố mẹ đưa ra chơi mấy trò này. Giá cho mỗi bé chơi từ 15 đến 20 ngàn.
Nắm bắt ý tưởng, chị L. tính toán, đầu tư trọn bộ những trò chơi này, chị chỉ mất khoảng 5, mà tối đa cho là 10 triệu, thì chẳng mấy chốc chị thu lãi. Nhưng chị L. tính toán, nếu chỉ kinh doanh nó vào cuối tuần, thì cạnh tranh với những đơn vị ngoài vào này cũng không phải là cách. Chị quyết định dọn dẹp tầng 1 căn nhà phố nơi chị đang ở, đầu tư mua sắm đồ ban đầu.
Thay vì 15 ngàn tiền vé, chị chỉ thu 5 ngàn cho mỗi cháu bé đến chơi. Do vậy, không chỉ cuối tuần, mà các ngày trong tuần chỗ chị cũng luôn đông khách. Hàng ngàn cháu trong khu vực này, mỗi ngày chỉ mấy chục cháu đến chơi là chẳng mấy chốc chị thu lại vốn. Mà cũng chẳng khó khăn gì, đằng nào chị cũng kinh doanh ở nhà, việc các bé đến chơi đã có người nhà đi cùng trông nom. Giá tiền cũng đã có sẵn, người nhà sẽ tự động gửi tiền. “Mà có khi quên gửi cũng không sao, hàng xóm mà”, chị L. vừa cười vừa nói. Chị L. nói thêm, đặc biệt, “đầu tư rẻ, mà quan trọng nhất con, cháu nhà chị có thể chơi thoải mái nữa”.
Kinh doanh, ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa còn rất nhiều yếu tố khác tác động để có thể đi đến thành công. Có khi chỉ một chi tiết rất nhỏ cũng đã giúp bạn thành công, hay đẩy bạn đến thất bại.