Hạnh phúc của Ngà – cô bé 9 tuổi sống cùng gia đình bên bãi rác ở Phú Quốc
Trung – người đã kể câu chuyện của Ngà cũng chưa từng nghĩ trên đời lại có những mối nhân duyên tình cờ mà đáng yêu đến vậy. Trung đến đảo ngọc Phú Quốc với dự định tìm hiểu về cuộc sống của những đứa trẻ ở làng chài, thế nhưng cuộc tìm kiếm gần như rơi vào ngõ cụt cho đến khi Trung gặp Ngà – cô bé 9 tuổi sống cùng gia đình ở bãi rác trên hòn đảo.
Ngà xin Trung đi quá giang về nhà, nơi có những bãi rác bốc mùi khủng khiếp và đàn ruồi suốt ngày vo ve. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó đã đưa Trung đến với một “thiên đường Phú Quốc” hoàn toàn khác. Và đây là câu chuyện của bé Ngà qua “những bức ảnh kể chuyện” của Trung:
Ngà và bãi rác nơi em đang sống hàng ngày.
Dù mới gặp nhưng cô bé rất quý mến tôi. Tôi được em mời vào nhà, cô bé rất chu đáo và liên tục hỏi tôi có khát nước không, sau đó em đem tất cả đồ chơi ra khoe với tôi. Ngà năm nay 9 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học do đã bị lạc mất giấy khai sinh, trong khi hoàn cảnh gia đình em cũng quá khó khăn. Trong những câu chuyện em kể, tôi cảm nhận được cô bé khát khao được đến lớp.
Đây là con búp bê mà Ngà yêu thích nhất, em gọi tên nó là Elsa. Trông nó khá cũ và có nhiều vết bẩn, bởi vì cũng giống nhưng những món đồ chơi khác, nó được Ngà thu nhặt từ bãi rác. Tất cả những món đồ chơi phế liệu này đều được em trân trọng và giữ gìn cẩn thận, em tỏ ra rất hạnh phúc khi khoe với tôi những món đồ chơi của mình.
Túi đựng đồ trang điểm của Ngà, mọi thứ đều nhặt được từ bãi rác.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Ngà đã biết phụ mẹ làm những việc vặt trong gia đình. Em còn biết phụ mẹ phân loại phế liệu.
Xung quanh nhà, khắp nơi đều rất nhiều ruồi, chúng chỉ biến mất khi trời tối.
Buổi chiều, khi trời đã bớt nắng Ngà đưa tôi ra bãi rác. Em kể với tôi về những con giòi, chúng có thể lớn lên và cất cánh trở thành ruồi, em có thể tìm thấy chúng trong bụng của những con ruồi lớn nữa.
Cuộc sống ở bãi rác không có điện lẫn nước sạch, tuy nhiên gia đình của Ngà đã quen với điều đó.
Buổi chiều ba mẹ của Ngà đi làm về, cả nhà quây quần bên một khu đất trống. Ba và mẹ của Ngà từ An Giang đến đây lập nghiệp từ 20 năm trước, tuy nhiên đến nay họ vẫn phải sống trong ngôi nhà tạm trên đảo.
Tôi hỏi Ngà: “Con có thấy buồn khi sống ở đây không?”. Nhưng cô bé lại làm tôi bật cười khi em đáp lại một cách ngô nghê: “Dạ cũng hơi vui!”.
Nhìn Ngà tựa vào vai ba, tôi nhận thấy em đang hạnh phúc trong ngôi nhà của mình. Chỉ là hạnh phúc đó bị giới hạn trong cuộc sống khó khăn, một đứa trẻ 9 tuổi chưa thể đòi hỏi những thứ tốt hơn mà nó chưa từng nhìn thấy. Bên con gái, ba của Ngà đang suy tư về điều gì đó, tối nay ông uống (rượu) khá nhiều nên có vẻ hơi mệt. Mọi thứ im ắng giữa bốn bề hoang vu, ngôi nhà bé nhỏ càng trở nên nhỏ bé.
Chàng kỹ sư nông nghiệp và dự án đi khắp Việt Nam kể 100 câu chuyện về trẻ thơ
Bộ ảnh “Ngà và nàng Elsa trên đồi rác” là một trong những câu chuyện nằm trong dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” của chàng kỹ sư nông nghiệp Đinh Chí Trung. Trung sinh năm 1988 tại Bình Phước, sau khi tốt nghiệp ngành nông học tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM, anh bắt đầu công việc với cây cỏ thiên nhiên nhưng rồi nhận ra đam mê thật sự của mình không nằm ở đây.
Trung từng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi bén duyên với nhiếp ảnh.
Quay trở về điểm xuất phát khi tuổi không còn trẻ, Trung đăng ký học thiết kế đồ hoạ với rất nhiều mông lung. Thế nhưng càng học và đi với nghề, anh chàng lại càng thêm tự tin với con đường đã chọn. Giờ đây Trung có thể tự hào vì đã can đảm đi theo đam mê của bản thân, hiện tại anh có 1 tiệm ảnh nhỏ ở Bình Phước chuyên chụp cho trẻ con, cuộc sống ở quê trôi qua bình dị nhưng chưa bao giờ thiếu tiếng cười.
Trung dành thời gian rảnh của mình để đi đến những vùng đất mới, kể những câu chuyện về trẻ thơ.
Nói về dự án của mình Trung tâm sự: “Tính mình thì hơi nhút nhát và khó gần, với trẻ con cũng vậy. Việc chụp hình con nít xuất phát từ tình yêu thương mà mình dành cho 2 đứa cháu ở nhà. Từ hồi có cháu, mình thường xuyên gần gũi và chăm sóc tụi nhỏ, bắt đầu chụp tụi nhỏ và được mọi người khuyến khích nên đi theo công việc này.
Dự án 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam là dự án ảnh kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành – Khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con trẻ, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất”.
Hân – nhân vật đầu tiên mà Trung thực hiện. Hân 4 tuổi, em đi cùng ba mẹ lang bạt khắp các vùng đất để làm việc.
Thiết – cậu bé người gốc Campuchia sống cùng gia đình trên sóng nước.
Để tiếp cận 1 nhân vật, đặc biệt là 1 đứa trẻ cần khá nhiều thời gian. Thông thường Trung phải mất nhiều ngày tới lui nhà để chơi và hiểu chúng trước khi bấm máy. Dù đã có kinh nghiệm trong vấn đề làm việc với trẻ con, nhưng Trung vẫn gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào dự án. Thế nhưng những cơ duyên nối tiếp những cơ duyên đã giúp anh gặp được rất nhiều đứa trẻ thú vị.
Dự án của Trung được báo chí và cộng đồng quan tâm.
Dù dự án chỉ mới khởi động nhưng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng. Nhiều người liên hệ để hỗ trợ dự án và quyên góp cho nhân vật khiến Trung cảm thấy rất hạnh phúc.
Anh hào hứng nói: “Cảm thấy mình như truyền được nhiệt cho mọi người, giúp được phần nào cho các nhân vật mình rất hạnh phúc. 100 câu chuyện là một con số mình đặt ra nhưng chắc chắn không thể hoàn thành nó một sớm một chiều được, vì đôi khi một tháng trời cũng chỉ thực hiện được một chuyến đi xa, đến những nơi hoàn toàn xa lạ và bắt tay vào việc tìm kiếm nhân vật của mình khi hoàn toàn không biết các em đang ở đâu. Khó khăn là vậy nhưng công việc này làm mình rất vui và thấy cuộc sống của mình rất nhiều màu sắc”.