Chuyện của Chopp – startup đi siêu thị giùm: Giao hàng tươi sống chỉ trong 1h, cứ 10 khách có 7 người quay lại mua tiếp

Cuối tháng 9 vừa qua, Greenbag.vn trong mảng đi siêu thị giùm, tuyên bố ngừng hoạt động mà theo nhiều nguồn thông tin, Greenbag đã “chết lâm sàng” trước đó một năm.

Greenbag.vn là dự án thuộc Cùng Mua, được thành lập vào năm 2015. Đây cũng là thời điểm mô hình đi siêu thị giùm bắt đầu rộ lên với khá nhiều doanh nghiệp tham gia như Faly Mart, Citiship, Alocho, Suma.vn (VC Corp), Chopp.vn, disieuthi.vn…. Các công ty sẽ thuê người mua hàng, đi giao nhận và hợp tác với các siêu thị, cửa hàng để mang đến những trải nghiệm cho các khách hàng bận rộn hoặc lười đi chợ.

Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh cùng với những khó khăn trong quản lý, vận hành… đã khiến Greenbag phải chia tay thị trường.

“Tôi đã gặp lãnh đạo của Greenbag để gửi lời cảm ơn, bởi khi Greenbag, một công ty dịch vụ đi siêu thị giùm, khai tử, họ đã giới thiệu người tiêu dùng hãy chọn dịch vụ của Chopp.vn chúng tôi”, anh Trường Nguyễn, CEO của Chopp chia sẻ.

Tận dụng lợi thế nhỏ và nhanh nhẹn trước những ông lớn như Big C, Coopmart

Chopp.vn được thành lập cách đây 2 năm với chỉ một vài nhân sự. Hiện tại công ty này đã có khoảng 20 nhân viên văn phòng và 40 nhân viên giao nhận làm partime. Chopp hiện là đối tác của khoảng 40 siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ ở TP HCM và cam kết giao hàng trong 1 giờ nếu khách yêu cầu mua đồ ở một cửa hàng.

Sáng lập Chopp là anh Trường Nguyễn. Trước khi trở về Việt Nam khởi nghiệp, anh Trường đã có hơn 10 năm kinh nghiệm kinh doanh ở thị trường Mỹ và Canada với 2 lần làm cofounder trong các dự án khởi nghiệp.

Tôi có ý tưởng về sản phẩm rất lâu rồi, đó là vào khoảng năm 2013 tại Canada. Tôi cũng có những khó khăn như không biết mua đồ ăn ở đâu, không có thời gian đi chợ. Khi đó có ý tưởng rồi nhưng không đủ kinh nghiệm”, anh Trường nói.

Từ Chopp trong tiếng Anh nghĩa là cắt thức ăn. Tên này anh đã đặt cho một dự án khi còn đang ở nước ngoài. Và sau khi về Việt Nam, tham khảo ý kiến bạn bè, anh thấy tên này cũng liên quan đến đồ ăn nên giữ lại.

“Trải qua 2 năm, hiện Chopp đã phục vụ khoảng 7.000 khách tại TP HCM. Mỗi ngày có khoảng 150 đơn hàng. Lượng khách cũ khoảng 70%, khách mới khoảng 30%. Mỗi khách trung bình mua khoảng 4 lần/tháng”, anh Trường thống kê lại.

Với việc mua giùm các mặt hàng tươi sống, việc đảm bảo hàng vẫn tươi ngon đến tay khách hàng là điều không đơn giản. Công việc vận hành đòi hỏi rất nhiều khâu và mỗi khâu đều cần thực hiện nhanh chóng và chuẩn xác.

“Khi nhận đơn hàng rồi, chúng tôi sẽ kiểm tra xem có phải khách mới hay không. Nếu khách mới thì chúng tôi gọi điện để xác nhận. Nếu cũ, chúng tôi chuyển cho người đi mua. Nếu người mua thấy hết hàng thì báo lại cho team chăm sóc. Team chăm sóc báo cho khách. Sau đó, bạn giao hàng đến nhận hàng của bạn mua và giao cho khách”, anh Trường chia sẻ quy trình mua và giao hàng cho khách.

Ảnh: BSA

Ảnh: BSA

Các công ty lớn như BigC, Coopmart nghĩ rằng họ có nhiều tiền, nhân sự đông nên họ tự làm

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt, mảng đi siêu thị giùm cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia. Chưa kể, các doanh nghiệp lớn như BigC, Coopmart hay Lotte cũng có trang bán hàng online. Sức ép đối với các startup nhỏ là vô cùng lớn.

“Lúc đầu, chúng tôi tìm kiếm đối tác chính trước. Còn những trường hợp khó tiếp cận thì chúng tôi mua hàng bình thường. Đối tác ban đầu của chúng tôi là Nam An. Chúng tôi sau đó có nói chuyện với các công ty lớn như Coopmart, Metro. Các doanh nghiệp lớn nghĩ rằng họ có nhiều tiền, nhiều nhân lực thì họ tự làm được. Ai cũng muốn tự làm”, anh Trường kể lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Điểm khác biệt Chopp, theo anh Trường, đó là tập trung vào hệ thống vận hành. Vì khách hàng của anh là 80-90% chọn hàng tươi sống nên nếu hàng hóa không còn giữ được chất lượng tốt thì khách sẽ không quay lại. Anh quyết định đầu tư thật mạnh vào vận hành. Theo anh, mấu chốt ở chỗ là đem đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của mình. Từ đó cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu sản phẩm mà họ bán được cho khách.

Anh Trường đánh giá, việc các doanh nghiệp xây dựng app hay website thì dễ nhưng tập trung để làm tốt trải nghiệm của khách hàng mới khó.

“Tuy nhiên, khó nhưng làm được. Các doanh nghiệp lớn họ tập trung chi phí lớn, nhân sự nhiều nên sẽ tạo áp lực về kết quả. Các team đó sẽ phải lên kế hoạch để vận hành nhưng từ kế hoạch đến thử nghiệm có khi cả nửa năm hoặc một năm. Đó cũng là lợi thế của chúng tôi, nhỏ nhưng nhanh”.

“Chúng tôi cũng không cạnh tranh với họ, mà giúp dịch vụ của họ tốt hơn. Họ nghĩ Chopp làm được thì họ cũng làm được, ai cũng muốn tự mình làm. Đó là cơ hội cho Chopp. Chúng tôi đã có kinh nghiệm 2 năm thì sẽ đầu tư hơn nữa để đi xa hơn”, anh Trường khẳng định.

Chopp chắc chắn sẽ mở rộng, tùy thuộc vào việc có đủ tài nguyên hay không. Anh Trường cho biết công ty đã có lãi nhưng tiền lãi sẽ sử dụng để chi trả cho các hoạt động trong công ty. “Nếu chỉ giải quyết được vấn đề ở một thành phố thôi thì coi như chưa làm được gì. Chúng tôi muốn đi xa hơn nữa”, CEO Chopp chia sẻ.

Sau 2 năm khởi nghiệp, hiện Chopp có 7.000 khách hàng tại TP HCM với tỷ lệ khách hàng quay lại lên tới 70%. Mỗi ngày công ty nhận khoảng 150 đơn hàng. Số nhân sự văn phòng hiện tại là 20 người, cùng khoảng 40 cộng tác viên.

Nội dung trong bài viết lấy từ chương trình Livestream do BSA tổ chức ngày 16/11 tại TP HCM.

Nhìn cậu em đốt 3 tỉ trong 6 tháng, cắm nhà đi khởi nghiệp, sáng lập JoomlArt – Hùng Đinh khuyên bạn trẻ nào cũng cần “Cooling Off” trước khi startup

Bài viết mới