12 tuổi, Đặng Thị Hương (sinh năm 1986, quê Vĩnh Phúc) nghỉ học rời quê lên Hà Nội làm ô sin cho một gia đình trẻ. Công việc chăm em bé và quán xuyến việc nhà từ 6h sáng đến 12h đêm đem lại cho Hương số tiền 150.000 đồng mỗi tháng. Với đồng lương ít ỏi này, Hương mơ ước sẽ nuôi anh trai và em gái học xong, hỗ trợ tiền chữa bệnh cho mẹ.
Hương không ngờ, đó chỉ mới là chương đầu tiên mở ra cuộc đời nhiều thăng trầm của mình. Sau này, cô còn có nhiều ước mơ lớn hơn thế nữa.
Cô bé đem nhẻm, gầy gò năm nào không ngờ những ngã rẽ cuộc đời lại đưa mình đi xa thế!
17 tuổi, Hương nghỉ công việc ôsin, đi học lại lớp 8 ở một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội. Cô thuê được gầm cầu thang một khu ổ chuột vừa kê đủ cái giường gãy chân để ngủ. 2 giờ sáng Hương thức dậy thổi xôi. Sáng bán xôi, rồi đi lau nhà thuê, chiều đi bán bánh khoai, bánh ngô, tối học xong lại bán bánh đến nửa đêm. Việc quá nhiều nên mỗi ngày Hương chỉ vẻn vẹn 2 tiếng được ngủ.
Sau chuỗi ngày làm đủ mọi nghề để được đi học bổ túc, Hương biết đến KOTO – một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố.
Cô nộp đơn và được nhận vào và đây cũng là nơi thay đổi cuộc đời cô và tạo nên Hương hôm nay. Sau 18 tháng học tại KOTO, Hương được làm tại khách sạn Inter Continental Hồ Tây, rồi quay về làm nhân viên KOTO với mong muốn được đồng hành với các trẻ em từng như Hương. Năm 2012, Hương lên đường du học Úc sau khi giành được một suất học bổng.
Khi đã trở thành một thạc sĩ trên đất Úc, Hương thầm biết ơn những ngày làm ô sin cho nhà chủ: “Có những sự khắc nghiệt khiến mình học hỏi được rất nhiều và trưởng thành rất nhanh. Đơn giản như việc chị từng sống với bà chủ nhà cực kì khó tính, làm gì cũng phải làm cho thật tốt. Từ đó, chị cũng rèn giũa được mình.
Hoặc, kỹ năng nấu ăn hay niềm vui với ẩm thực, chị cũng được tôi luyện qua rất nhiều người chủ kỹ tính khác. Việc rửa một cái cốc thế nào là sạch hay cuốn nem như nào cho ngon, rửa cá thế nào cho không quá tanh… Tất cả những thứ đó, chị đều học được từ hồi đi làm ô sin. Nó cũng là thứ vốn liếng đáng quý của chị. Những bài học được tôi luyện trong hà khắc có mùi vị mặn chát nhưng lại là hành trang khiến mình vững bước vào đời”.
Khi hỏi Hương, nếu như ngày đó chị không cố chấp giữ lấy cái khao khát học tập, thì hôm nay chị nghĩ mình đã ở đâu và như thế nào?
Hương trầm ngâm một lúc rồi đáp: “Cũng thật khó, bản thân chị cũng từng đặt câu hỏi như vậy và chưa bao giờ có câu trả lời. Chị nghĩ, đó là một sự may mắn dựa trên nỗ lực và chữ duyên. Giống như chuyện ở một vùng quê nghèo lại có một bé gái thích đọc sách như chị, hay bỗng dưng một ngày chị phải nghỉ học và lên thành phố kiếm sống. Nếu ngày đó mọi thứ không xảy ra theo cách tệ nhất thì chưa hẳn đã dẫn đến một cái kết đẹp. Mọi con đường đi đều khác nhau và đích đến cũng không hề giống nhau nên chúng ta chỉ biết tuân theo quy luật cuộc sống và nỗ lực hết mình mà thôi”.
Hương không nghĩ mình nhìn xa trông rộng hơn bạn bè đồng trang lứa khi sớm nhận được giá trị của việc học để quyết tâm theo đuổi nó đến cùng, dẫu có đang là một cô bé ô sin đi chăng nữa.
Sự ham học hỏi đến với Hương rất tự nhiên như cách mà những người trẻ thế hệ 8X say mê với những kiến thức mới, công trình nghiên cứu, kiếm cơ hội du học bằng chính sức của mình… Đó chính là nguồn cảm hứng giúp Hương tiếp tục nuôi dưỡng hoài bão học vấn, ngay cả khi đã đạt được một số thành quả nhất định.
Ai nhìn vào cuộc sống của Hương cũng nghĩ cuộc đời cô dẫu khó khăn nhưng so ra với nhiều người khác vẫn “màu hồng” chán. Khó khổ lúc đầu, khúc sau sướng như “cổ tích” thế này ai cũng chịu. Nhưng bạn đừng tùy tiện phán xét người khác bằng những gì bạn nhìn thấy. Ai cũng có những góc khuất mà đã là góc khuất thì không dễ gì nhìn thấy được.
Cuộc đời Hương không “cổ tích” lắm đâu! Có thể những gì Hương đạt được là mơ ước của nhiều người từng ở vào hoàn cảnh như cô. Nhưng đâu ai hiểu, để có những kết quả thành hình ấy là biết bao khó khổ, sự hi sinh vô hình mà chỉ có Hương biết.
Mới 31 tuổi đời song những thăng trầm mà Hương đi qua có lẽ đã gấp đôi người cùng trang lứa. Mỗi lần va vấp và gặp biến cố, cô gái nhỏ tự nói với mình “Hương ơi, thôi xong” nhưng chẳng biết lấy đâu ra động lực cô lại gượng đứng dậy bước tiếp.
Có lần Hương bị hại ở Hà Nội, cô nghĩ mình không vượt qua được, nhưng rồi cũng qua. Đúng chiều 30 Tết năm 2008, Hương và anh trai bị tai nạn. Cô từng nghĩ đó là điều khủng khiếp nhất trong đời, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Ba tháng trước khi Hương bắt đầu chương trình học thạc sĩ ở Úc, anh trai đột ngột qua đời.
Khi ấy, mọi khó khăn về tài chính và nỗi tuyệt vọng vì mất đi người thân khiến cô gái nhỏ trở nên chênh vênh. Hương nghĩ mình sẽ gục ngã, nhưng rồi mọi chuyện cũng được xếp lại theo trật tự của nó, dù mọi thứ chẳng thể như trước nữa.
“Không phải chị mạnh mẽ đâu, chị cũng chỉ là cô gái bình thường, cũng yếu đuối bên trong và tỏ ra cứng rắn bên ngoài. Mỗi lúc khó khăn chị nghĩ cứ ngồi đó mà buồn chán, dẫn tới trầm cảm thì ai lo cho mẹ và cháu chị? Từ đó, chị chuyển hóa nỗi buồn thành yêu thương, chị đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh nhiều hơn mỗi ngày, chị học thiền, tập thở, chị bắt đầu trồng những cây hoa. Mùa xuân sau đó, nó đã nở hoa. Cho đến tận bây giờ, năm nào chị cũng được ngắm hoa mình trồng đơm bông, từ những ngày chị vẫn ngồi đợi nắng.
Chị nghĩ nỗi buồn thì có thể vẫn còn đâu đó nhiều lắm, nhưng mình chọn cách đối mặt và chuyển hóa cảm xúc. Quan trọng hơn cả, mình hãy xem những điều kém may mắn xảy ra là chuyện tất yếu trong cuộc sống, ở đâu đó vẫn có nhiều người gặp phải tình cảnh giống như mình, chỉ là họ có nói ra hay không mà thôi”, Hương chia sẻ.
Khi có cơ hội ra nước ngoài học tập, tiếp xúc với nhiều người, Hương mới có đủ điều kiện để so sánh những kiến thức cô học được từ trường lớp, trường đời với những lời mẹ dạy.
Những lời mẹ dạy sau lũy tre làng là những bài học làm người giản dị, nhưng nó lại là hành trang quý theo Hương trên mỗi chặng đường dài. Mẹ bảo chị cứ lấy tâm làm cốt lõi, mọi cái sẽ dung hòa, chuyện thật to thì sẽ trở nên nhỏ và nhỏ thì có thể không còn.
Mẹ dạy Hương tính chịu đựng cao, khiêm nhường và làm việc chăm chỉ. Nhờ đức tính đó, cô bé 12 tuổi năm nào mới không bị “lạc đường” khi sống một mình ở Hà Nội nhiều cám dỗ. Lời răn dạy ấy cũng là thứ “vốn liếng” quý giá Hương mang sang Úc để sống qua quãng thời gian sinh viên thú vị, nhiều thách thức và đầy trải nghiệm. Cuộc đời cho cô gái trẻ nhiều đòn đau hơn. Cô dần nhận ra, không phải điều gì mẹ dạy cũng giống với ngoài đời. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó nó vẫn có ý nghĩa rất lớn với mình.
Khi gặp người tốt, Hương thấy những bài học của mẹ thật đúng. Nhưng lúc gặp người xấu, khi những chuyện không hay ở đời xảy đến với mình… cô vẫn còn những bài học của mẹ, những giá trị cốt lõi để dựa vào.
Hương có một kỷ niệm đáng nhớ thế này: “Khi sang Úc học đại học, chị sợ nhất môn Kinh tế. Giáo sư của chị cũng biết điều đó. Một lần, chị trả lời được hết câu hỏi của thầy, thầy hỏi ai dạy chị những điều này, chị nói hồi bé sống ở quê, mẹ chị làm như vậy. Thầy bảo chị hãy gọi điện về nhà cảm ơn mẹ vì mẹ chị chính là nhà Kinh tế học tuyệt vời của chị. Bữa đó, chị tự hào lắm. Ai mà nghĩ những bài học giản dị của mẹ ra đời lại hữu ích vậy!”.
Thỉnh thoảng vẫn có người đọc các bài viết về Hương rồi trêu cô là người “nổi tiếng”. Hương trêu lại “tai tiếng” thì có!
“Khi kể câu chuyện của mình, ngoài những lời khích lệ động viên, chị cũng nhận được không ít gạch đá. Với chị, gạch đá hay khen chê đều không quan trọng.
Một ngày đẹp trời, chị quyết định kể câu chuyện của mình và mặt chị xuất hiện dày đặc trên báo. Có người không hiểu thì sẽ cho là chuyện bịa hoặc kiểu “kể khổ”. Chị thì rất ngại việc phải kể những điều “con nhà nghèo vượt khó” vì nghèo thì Việt Nam mình thiếu gì, và các bạn học giỏi hơn chị thì chắc chắn là cũng có rất nhiều.
Nhưng chị kể ra câu chuyện của mình với mong muốn giúp ích phần nào cho những người trẻ để họ tìm thấy động lực khi lạc bước hay đứng giữa ngã ba đường không biết đi đâu, làm gì. Nhưng chị kể câu chuyện của mình không phải là muốn các bạn phải giống như chị. Thế thì còn gì đặc biệt!
Chị chỉ có một mong muốn đơn giản là chia sẻ từ những trải nghiệm thật nhất của mình sẽ giúp cho ai đó có thêm thông tin về thế giới ngoài kia. Các bạn sẽ không ngồi ì một chỗ chờ cơ hội tới. Và quan trọng là để các bạn biết yêu bản thân mình, sống vui vẻ và đầy nhiệt huyết, từ đó mới yêu được cộng đồng”, Hương nói.
Năm 2012, Hương xin được học bổng du học Úc. Cô chọn ngành Quản trị kinh doanh tại học viện Box Hill (Úc) vì muốn được thử sức một ngành mới.
Trong quá trình học tập, cô gái Việt có xuất phát điểm còn nhiều hạn chế nhận được nhiều giải thưởng lớn như “Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria” và “Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013” do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng.
Tháng 6/ 2016, Hương một trong 61 người trẻ trên toàn thế giới trúng tuyển vào chương trình học ngắn hạn của Massachusetts Institute of Technology – Mỹ cho chương trình “MIT Global Entrepreneurship Bootcamp”.
Cô và 250 bạn trẻ trên thế giới được lựa chọn cho chương trình UNCTAD Youth Forum in Nairobi, Kenya (Diễn đàn Trẻ của United Nation Conference on Trade and Development tại châu Phi).
Tháng 5 năm 2017, Hương là một trong 10 đại diện Việt Nam tham gia chương trình Lãnh Đạo Trẻ Việt Úc được tổ chức tại Sydney.
Sau khi tốt nghiệp học viện Box Hill, Hương đã lấy thêm bằng thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và Đổi Mới tại trường Đại Học Công Nghệ Swinburne. Và làm Business Analyst cho một công ty IT có trụ sở tại Melbourne. Ngoài ra, cô còn phụ trách mảng “Nhà tài trợ học viên” của KOTO với vai trò là một tình nguyện viên trong suốt 5 năm sống tại Úc.
Đang có một cuộc sống tốt và công việc tốt ở xứ sở Kangaroo, Hương bỗng dưng quyết định trở về Việt Nam để làm việc toàn thời gian cho KOTO vì chị tin rằng những giá trị và đam mê của mình luôn phù hợp với KOTO nhất.
Hiện tại Hương đang là Trưởng Phòng Quan Hệ Và Đối Tác Quốc Tế cho KOTO Việt Nam, chuyên phụ trách mảng gây quỹ, sự kiện, nhà tài trợ và các hoạt động đối ngoại.