Trong 10 năm qua, quỹ hiến tặng của Harvard có mức lợi nhuận trung bình hằng năm chỉ đạt 5,7% – thấp thứ 2 trong số 8 trường đại học danh tiếng thuộc Ivy League. Giống như nhiều đối thủ khác, Harvard từ lâu đã thân thiết với các nhà quản lý quỹ danh tiếng. Tuy nhiên, mặc cho những mối quan hệ tốt ở Phố Wall, mức sinh lời của quỹ hiến tặng của Harvard vẫn cứ ảm đạm.
Năm ngoái, Hội đồng Quản trị của Harvard đã chỉ định vị CEO mới cho quỹ hiến tặng là N.P. “Narv” Narvekar, vốn có hơn 10 năm điều hành quỹ hiến tặng của Đại học Columbia. Khác với cách tiếp cận của các CEO trước đây, trong 6 tháng đầu tiên, Narvekar đã tìm cách cắt giảm một số khoản đầu tư, từ vốn đầu tư cổ phần tư nhân cho đến bất động sản, tài nguyên thiên nhiên. Ông cũng lên kế hoạch giảm mạnh số nhân viên 230 người vào cuối năm nay và chuyển nhiều tài sản hơn sang các nhà quản lý quỹ bên ngoài kém tên tuổi.
N.P. “Narv” Narvekar cho rằng nhà quản lý quỹ giỏi là người tối đa hóa mục tiêu của khách hàng đưa ra thay vì chỉ chú ý đến lợi suất danh mục.
Theo N.P. “Narv” Narvekar, đầu tư danh mục giống như một hệ thống giao thông phức tạp. Khi muốn đi nhanh, người ta thường chọn Ferrari hoặc Lamborghini đắt tiền, cũng giống như việc các nhà đầu tư muốn quỹ sinh lời cao sẽ tìm đến những nhà quản lý ngôi sao hứa hẹn mức lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, N.P “Narv” Narvekar cho rằng một chiếc Lamborghini chỉ có tác dụng cho đến khi… tắc đường.
Có rất nhiều thứ ngăn cản những chiếc Lamborghini thể hiện khả năng của mình khi đi trên đường.
Thứ nhất là giới hạn tốc độ. Hầu hết các nhà quản lý quỹ đều bị so sánh với chỉ số cơ bản trên thị trường chẳng hạn như S&P 500 đối với cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc Bloomberg Barclays – chỉ số trái phiếu chính phủ Mỹ cho các quỹ trái phiếu. Kết quả là ngay cả một nhà quản lý cực giỏi trong việc lựa chọn cổ phiếu hoặc kiếm lợi suất cũng sẽ cố gắng không đi quá xa chỉ số chuẩn. Điều này ngăn cản nhà đầu tư kiếm lợi ích từ bất cứ kỹ năng nào mà nhà quản lý có trong khi vẫn phải trả phí quản lý.
Điều thứ hai và quan trọng hơn cả là tắc nghẽn. Khi tắc đường, dù là Lamborghini hay Honda thì cũng phải hãm phanh và đứng yên một chỗ. Điều đó cũng đúng với tình trạng quản lý quỹ hiện nay. Hành động của nhà quản lý quỹ này có thể triệt tiêu lợi ích mà nhà quản lý quỹ khác mang lại nếu như cùng danh mục. Cuộc chiến giữa Carl Icahn và Bill Ackman trên cổ phiếu Herbalife là 1 ví dụ. Nếu 1 nhà đầu tư đã rót tiền vào cả 2 quỹ của Icahn và Ackman, rõ ràng họ ở cả hai bên mua và bán cùng lúc.
Các quỹ hưu trí lớn cũng mắc phải trường hợp tương tự khi mà một quỹ trong danh mục bán cổ phiếu của một công ty cho quỹ khác cũng nằm trong danh mục đó. Kết quả là quỹ hưu trí nắm cùng một loại cổ phiếu nhưng vẫn phải trả phí giao dịch khá cao cho cả hai quỹ vốn cổ phần tư nhân.
Điều đó cho thấy bản chất của các hệ thống phức tạp, từ giao thông, thị trường tài chính cho đến danh mục đầu tư, bạn không thể xác định kết quả dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên (phân tích từng yếu tố nhỏ để tổng hợp kết luận vấn đề).
Trong trường hợp giao thông, hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu nhiều người sử dụng xe buýt trong làn đường riêng và có làn đường dành riêng cho một vài chiếc Ferrari và Lamborghini. Trong trường hợp quản lý danh mục, nên tập trung vào tổng lợi nhuận danh mục phản ánh bởi phân bổ tài sản và quản trị rủi ro.
Bằng cách tiếp cận tương tự, các cá nhân có thể trở thành nhà đầu tư dài hạn và tăng khả năng đạt được các mục tiêu dài hạn. Nhà đầu tư không cần theo đuổi các nhà quản lý quỹ ngôi sao, thay vào đó sử dụng các quỹ ETF chi phí thấp và quỹ chỉ số thụ động cũng sẽ giúp họ rất nhiều.
Tập trung của nhà đầu tư nên đặt vào các quyết định phân bổ tài sản được đưa ra dựa trên số liệu và dẫn chứng trong khi sẵn sàng đáp lại sự thay đổi điều kiện thị trường và những mục tiêu của họ.