Chương Dế – Chàng sinh viên Quảng Nam khởi nghiệp phiêu lưu ký với snack côn trùng, đem bán ở khắp các siêu thị tiện lợi

Thoạt nhìn, cảm giác đầu tiên là hơi “ghê” vì con dế màu đen, vẫn còn nguyên đầu nhưng thấy mọi người ăn rất “nhiệt tình”, người viết cũng tò mò ăn thử. Con dế rất giòn và có vị béo.

Chương Dế phiêu lưu ký

Bùi Ngọc Chương, mọi người hay gọi là Chương “Dế”, chủ của dự án, bắt đầu làm quen với dế từ năm 2009 khi đang là sinh viên một trường đại học ở Sài Gòn, chuyên ngành công nghệ sinh học. Một lần nghe thầy giáo giảng về một chủ đề liên quan đến nuôi dế, cậu sinh viên cũng mày mò nuôi dế trong phòng trọ. Sau 3 tháng nuôi dế trong căn phòng nhỏ hẹp, cậu phải khép lại hành trình này vì phòng nhỏ, bốc mùi và cũng không có tiền để tiếp tục.

Nhưng rồi hình như con dế cứ bám lấy cậu sinh viên. Chương thử nghiệm nghề bán dế chiên dạo. Căn phòng trọ của cậu là hỗn tạp của mùi, của dầu mỡ và gia vị. “Em thích nên làm. Bán thì bán được đấy nhưng chẳng thấy lời lãi đâu vì em không làm dữ liệu nên việc kinh doanh đã không thành công”, Chương kể lại. Nhận thấy mô hình này không thể mở rộng được, cậu đành lặng lẽ dừng bước.

Hai năm sau, 2012 – 2014, chàng trai xứ Quảng bắt đầu bán dế nguyên liệu cho các quán ăn và nhà hàng. Ngoài dế, cậu cũng bán cả bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ vào buổi sáng và cùng vài người bạn xây dựng thương hiệu Vietsoya làm sữa bắp và sữa đậu nành. Tiền kinh doanh từ mấy món quà vặt đủ cho cậu trang trải cho cuộc sống xa nhà.

Trong một lần du lịch, lần đầu tiên Chương được biết đến thị trường côn trùng vô cùng lớn và sôi động ở một quốc gia rất gần với Việt Nam, chính là đất nước Thái Lan. Chương nhận ra đây chính là con đường của mình. Ý tưởng làm snack từ ngày sinh viên của cậu bắt đầu nhen nhóm trở lại.

Ban đầu, dự định của Chương nhập snack từ Thái và trở thành nhà phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá cao và chi phí vận chuyển cũng nhiều nên cuối cùng Chương quyết định tự làm.

Chương và một số bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp với những chú dế. Sản xuất snack là điều gì đó rất xa lạ với Chương và cả nhóm cộng sự. Mọi người lúc đó mới bắt đầu tìm hiểu các trang web, các video trên mạng về làm snack. Mọi thứ bắt đầu từ con số 0, về cả vốn liếng và kinh nghiệm thị trường.

Khi bắt tay vào thử nghiệm, bài toán lớn nhất và quan trọng nhất là làm sao để chiên cho giòn, cho dế khô mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng. Ngày nào, cả nhóm cũng nổi lửa rồi chiên. Nhưng rồi chiên hoài, chiên mãi, vẫn không giòn. Kể cả khi thử tìm một công ty với ý định thuê họ làm, cũng không tìm thấy.

Và một ngày đẹp trời, một giảng viên đại học mà Chương quen biết đưa ra gợi ý rằng có thể giải quyết được khâu chiên giòn này. Người thầy ấy cho biết là có công nghệ có thể chiên dế giòn nhưng máy móc tới vài trăm triệu. Như bắt được vàng, Chương liều đi vay tiền mua máy. “Sản phẩm giòn đúng như tôi mong đợi”, Chương kể lại.

Nhưng đó chỉ là một trong những bài toán đầu tiên, đến những bài toán khác rất dài và khó.

“Nếu không có hương vị ngon và độc đáo thì sản phẩm cũng không thể ra mắt thị trường”, Chương nhớ lại những trăn trở cách đây vài năm.

Lúc này, cả nhóm của Chương lại rơi vào guồng quay thử nghiệm trộn gia vị: nào là ớt, tỏi, bơ, nhưng “chẳng ra hồn gì cả”. Rất may sau đó Chương tham gia vào các group snack, cậu tìm thấy cả một bầu trời rộng lớn kiến thức và các kết nối giúp cả nhóm có thể học hỏi kinh nghiệm.

Sau nữa là quá trình đóng gói. Ban đầu, nhóm chọn cách làm thủ công, nhưng cả buổi chiều cũng chỉ được 200 gói. Chương nghĩ ngay đến việc tự động hóa công đoạn này bằng máy móc. Kết quả là khi đầu tư vào thiết bị, chỉ 1 phút máy đã đóng được 40 gói.

Đến nay, snack của Chương đã được bán ở các siêu thị Family Mart, Kensai và bán online với giá 20.000 đồng/bịch. Cậu sinh viên năm nào nay cũng đã có trang trại nuôi dế riêng hoàn thành việc xây dựng chuỗi cung ứng từ nông trại tới người tiêu dùng. Ngoài snack, Chương cũng ra mắt nhiều sản phẩm khác từ dế như bột dế, dế đóng bịch…

Một thị trường rộng mở

“Côn trùng là một tầm nhìn, hướng đi cần có nhiều người theo đuổi, tạo ra giá trị và lợi ích cho tương lai. Tôi cho đây là một cuộc cách mạng vì các nước như Thái Lan, Campuchia người ta đã làm và thành công. Đây là những sản phẩm giàu protein”, Chương chia sẻ.

Tại Thái Lan, Campuchia, Indonesia, các món côn trùng khá phổ biến. Tại Việt Nam, ở nhiều vùng, người ta cũng đã ăn côn trùng như châu chấu nướng, bọ cạp chiên… nhưng snack bằng côn trùng thì hầu như không có.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO), khoảng 2 tỉ người trên thế giới có thói quen ăn côn trùng. Nguồn thức ăn từ côn trùng có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt thực phẩm theo đà tăng dân số toàn cầu.

Côn trùng sẽ là nguồn thực phẩm chính trong tương lai và hiện nay ở các quốc gia phát triển như Pháp, Ý, Nhật và các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… Theo FAO, chỉ riêng tại Thái Lan, ngành này tạo được khoản thu hàng triệu đô la mỗi năm với hơn 20.000 trang trại. Đáng chú ý là thị trường khó tính như châu Âu cũng đang thay đổi quan niệm về thực phẩm côn trùng.

Với một thị trường giàu tiềm năng, Chương Dế rất lạc quan vào tương lai của những gói snack mà trẻ con vẫn thường gọi là bim bim, nhưng được làm từ thiên nhiên – là côn trùng nên rất giàu dinh dưỡng. Đó chắc chắn sẽ là xu thế của thế giới.

Sau 20 năm gia công cho Ý, Nhật, anh thợ miền Tây này quyết tâm khởi nghiệp: Bán giày 4 triệu cho người Việt không hề đắt, vì cái chúng tôi cạnh tranh là chất lượng

Bài viết mới