Chứng khoán giảm mạnh nhất một tháng

VN-Index mất hơn 12 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ giữa tháng 6, khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc, nhất là nhóm Vingroup.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM sáng nay giao dịch tích cực và có thời điểm lên gần 1.512 điểm, cách đỉnh lịch sử chỉ khoảng 1%. Trạng thái này không kéo dài lâu bởi áp lực chốt lời từ một số mã vốn hóa lớn lan rộng toàn thị trường. Chỉ số đảo chiều giảm và giằng co quanh tham chiếu trong thời gian dài.

Thị trường biến động mạnh trước phiên ATC khi các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup giảm sâu. VN-Index đóng cửa tại 1.485 điểm, mất 12 điểm so với tham chiếu, còn VN30 mất gần 16 điểm.

Chỉ số đang lùi về gần 1.475-1.480 điểm, vùng hỗ trợ được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị theo dõi sát. Theo Yuanta Việt Nam, nếu thủng vùng giá này, áp lực điều chỉnh có thể tăng trong những phiên giao dịch sau đó và nhịp giảm có thể kéo dài hết tuần.

Theo thống kê của VNDirect, nhóm Vingroup khiến VN-Index mất gần 11 điểm. Sau nhịp tăng mạnh tuần trước, VIC hôm nay có lúc chạm giá sàn trước khi chốt phiên tại 112.000 đồng, giảm gần 6%. VHM mất 4,2%, còn VRE và VPL lần lượt điều chỉnh 1,5% và 1,3% so với tham chiếu.

Xét theo ngành, bất động sản là nhóm đối mặt áp lực bán mạnh nhất. LDG mất hết biên độ và khối lượng dư bán tại giá sàn lên đến 23 triệu cổ phiếu. KHG, DXS, SCR, HDG cùng giảm trên 4%. Một số mã vốn hóa vừa như KDH, NVL, NLG sụt hơn 1,5%.

Diễn biến tương tự xảy ra ở nhóm chứng khoán. Hầu hết mã trụ của nhóm này như SSI, VND, HCM, VCI đều giảm hơn 1,5%. VIX là trường hợp hiếm hoi đi ngược xu hướng thị trường, tăng 2,4% lên 19.300 đồng.

Tương tự, cổ phiếu dầu khí bị xả hàng quyết liệt. BSR giảm trên 2%, còn PVT, PVD, GAS đồng loạt mất khoảng 1-1,4%. Nhóm cảng biển và xây dựng cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng biên độ giảm không lớn.

Nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa mạnh. TCB giảm 2,2% xuống 35.450 đồng, tạo áp lực lớn lên chỉ số. STB, VCB, MBB và BID giảm 0,7-1,4%. Trong khi ở chiều ngược lại, VPB đóng vai trò trụ đỡ quan trọng khi tăng 4,4% lên 22.300 đồng, sau đó đến SHB và LPB đều tích lũy hơn 2,5%. Một số mã vốn hóa lớn khác như VIB, ACB, HDB, CTG cũng chốt phiên trong sắc xanh với biên độ trải dài từ 0,3-1,5%.

HVN của Vietnam Airlines hôm nay tăng hết biên độ lên 31.600 đồng, là một trong số ít cổ phiếu kịch trần trên sàn TP HCM. Mã này đóng cửa trong tình trạng không có bên bán, còn dư mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao. Sàn TP HCM có hơn 1,47 tỷ cổ phiếu được sang tay, trị giá hơn 35.400 tỷ đồng. Thị trường có 5 mã đạt thanh khoản nghìn tỷ là SSI, VPB, HPG, SHB và VIX.

Sau 2 phiên xả hàng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng. Nhóm này giải ngân hơn 4.200 tỷ đồng, còn bán ra khoảng 4.050 tỷ đồng. VPB hút mạnh tiền của nhà đầu tư ngoại với khối lượng mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu, sau đó đến SHB, NVL, HDB và DXG.

Trong báo cáo chiến lược đầu tuần này, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định các nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật là yếu tố cần theo dõi, bởi nó tạo ra hạn chế cho đà tăng ngắn hạn nhưng đồng thời mở ra cơ hội nắm giữ dài hạn với chiết khấu phù hợp hơn. Nhóm này kỳ vọng VN-Index hình thành vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.470-1.475 điểm và tâm điểm cho đà tăng sau đó là nhóm chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ.

Phương Đông





Bài viết mới