Cổ phần hoá nóng thị trường bia
Việt Nam sẽ là chiến trường chính tiếp theo cho các nhà sản xuất bia, theo báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor International được đăng tải trên tờ Bloomberg cách đây không lâu. Euromonitor International cho rằng, văn hóa tiêu thụ bia tại Việt Nam sẽ khiến nơi đây trở thành chiến trường trọng điểm tiếp theo của các hãng bia.
Bộ Công thương cho biết 2 hãng bia quốc doanh lớn của Việt Nam là Sabeco và Habeco sẽ đệ trình kế hoạch cổ phần hóa trong tháng này và tiến hành vào cuối năm nay. Theo chuyên gia John Ditty của KPMG, việc cổ phần hóa 2 hãng bia quốc doanh lớn sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho những tập đoàn bia quốc tế, nhất là những doanh nghiệp chưa có mặt ở Việt Nam.
Thị trường bia trong nước thu hút các nhà đầu tư ngoại
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu bia quốc tế tại Việt Nam đã khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng trở nên khốc liệt. Có thể thấy, thị trường bia Việt Nam đang trở nên chật chội hơn khi đã có hơn 30 hãng bia lớn trên thế giới góp mặt.
Hai trong số các thương vụ cổ phần hóa được quan tâm lớn nhất vào thời điểm này là cổ phần hóa các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bia: Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn (Sabeco và Habeco).
Hiện Nhà nước sở hữu 89,59% vốn tại Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát này cũng đang nắm giữ tới 60% thị phần bia nội địa, trong đó Sabeco chiếm khoảng 40%. Điều này giải thích một phần lý do vì sao Sabeco và Habeco luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nhiều nguồn tin, các hãng bia ngoại đang tỏ sự quan tâm tới việc mua lại hai hãng bia nội Sabeco và Habeco đều là những tên tuổi như: Thai Beverage, Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken của Hà Lan và Anheuser-Busch InBev của Bỉ…
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh để nắm giữ các công ty trong nước đang ngày càng trở nên nóng bỏng và khó dự đoán hơn bao giờ hết.
Chậm do đâu?
Tại cuộc họp báo chuyên đề về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết 9 tháng mới có 11 doanh nghiệp cổ phần hóa xong.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra là do một số Lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Cổ phiếu ngành bia đang được quan tâm
Giữa tháng 8, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017.
Theo dự tínhHabeco và Sabeco được cho là sẽ góp phần bảo đảm được nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm này là 60.000 tỉ đồng.
Dù đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng cho đến nay, Tổng CTCP Bia- Rượu- NGK Sài Gòn (Sabeco) vẫn chưa tiến hành niêm yết trên TTCK. Habeco đã hoàn tất lựa chọn đơn vị tư vấn, đang trong quá trình phê duyệt định giá và có thể tới đây sẽ ra phương án định giá. Vướng mắc lớn nhất tại Habeco chính là câu chuyện với Carlsberg.
Theo dự báo của Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC), thị phần của Habeco đang giảm dần, dẫn tới tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định muốn trở thành đối tác chiến lược Habeco, Sabeco. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư tiềm năng cũng có thể tham gia được thương vụ này.
Tại Habeco, vướng mắc hiện nay vẫn là đàm phán giá bán. Từ khi cổ phần hóa, Tổng công ty này đã ký hợp đồng đối tác chiến lược với Carlsberg Breweries A/S. Đối tác chiến lược này luôn thể hiện rõ ý định tiếp tục đầu tư vào Habeco, nhưng Carlsberg muốn đàm phán ở mức giá tương đương với giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Habeco nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, cho dù Carlsberg có quyền ưu tiên đàm phán.
Trong khi đó Sabeco xây dựng phương án thoái vốn nhà nước thuận lợi hơn Habeco do không vướng ràng buộc với đối tác chiến lược. Tổng công ty cũng đã có đơn vị tư vấn và đang trong quá trình phê duyệt định giá.
Tuy nhiên, điểm chung của cả 2 tổng công ty trong việc xây dựng phương án thoái vốn là quy mô vốn lớn. Các đối tác ngoại sẽ là phù hợp hơn trong thương vụ thoái vốn lịch sử này.
Đại diện một nhà đầu tư nước ngoài cho hay, các nhà đầu tư rất quan tâm các DN ngành bia. Tuy nhiên, khâu đấu thầu cần được tổ chức, giám sát minh bạch, và cần thêm các chiến dịch quảng bá rộng rãi hơn nữa để thu hút thêm nhiều hơn các nhà đầu tư tham gia để mang lại kết quả tốt nhất.
Ông Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty luật IB legal Việt Nam cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả của cổ phần hóa thì cần quy trách nhiệm những người trực tiếp tham gia cổ phần hóa. Ngoài ra, cần thực hiện công khai minh bạch trong định giá doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa để tránh thất thoát, lãng phí.
Theo tin mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra hạn cuối cho Bộ Công Thương phải trình được kế hoạch thoái vốn ở hai công ty bia là ngày 20/10, tức trong vài ngày tới.