Các bộ trưởng kinh tế từ 16 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tham gia đàm phán 1 hiệp định thay thế cho Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm qua (10/9) đã thừa nhận rằng các nước sẽ không đạt được thỏa thuận nào trong năm nay.
Thay vào đó, các bộ trưởng cho biết họ sẽ cố gắng để đạt được những bước tiến lớn vào tháng 11 tới, khi lãnh đạo 16 nước gặp nhau ở Manila. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ bao phủ hơn 3,5 tỷ người (tương đương một nửa dân số thế giới) và 30% GDP cũng như kim ngạch thương mại toàn cầu.
16 nước đang đàm phán RCEP bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN. RCEP được coi là sẽ thay thế cho TPP, hiệp định gồm 12 thành viên đã đạt được sự đồng thuận vào cuối năm ngoái nhưng cuối cùng lại gần như đổ bể vì Mỹ rút lui sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức.
Cuối tuần vừa qua, các bộ trưởng kinh tế vừa gặp nhau ở Manila để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49. Đây cũng là cuộc họp bộ trưởng lần thứ 5 bàn về RCEP – hiệp định bắt đầu được đàm phán từ năm 2013.
Theo ông Ceferino Rodolfo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Philippines, các nước đã từ bỏ mục tiêu sẽ đi đến thỏa thuận cuối cùng trong năm nay vì có quá nhiều điểm chưa thể thống nhất về giảm thuế hay các dịch vụ sẽ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thay vào đó, họ đặt mục tiêu đạt được 1 “kết luận quan trọng” hoặc 1 “bước đột phá lớn” vào tháng 11.