Chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 1,8 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6/2018 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 169,9 triệu USD, giảm 10,8% so với nửa cuối tháng 5/2018, nhưng tăng 20,6% so với nửa đầu tháng 6/2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,83 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 5/2018 đạt 347 triệu USD, giảm nhẹ so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến hết tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,66 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 1,8 tỷ USD - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,1%; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 46,7 triệu USD, tăng 8%; Hàn Quốc 46,5 triệu USD, tăng 15,4%; Thái Lan đạt 26,1 triệu USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có lợi thế về nhu cầu tiêu thụ của nước này, vị trí địa lý gần, tập quán, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam.

Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng hàng hóa tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nâng lên và đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới. Theo đó, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng tới việc tìm hiểu vụ mùa tại Trung Quốc để trồng các mặt hàng rau quả phù hợp và không trùng đúng vụ mùa của họ, tránh trường hợp được mùa mất giá. Điển hình như vụ vải vào mùa, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường chế biến sâu, xuất khẩu quả tươi, tăng cường tiêu thụ nội địa, tăng cường công nghệ sơ chế, bảo quản nhằm kéo dài thời gian lưu thông, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu…

Triển vọng xuất khẩu hàng rau hoa quả của Việt Nam rất khả quan trong thời gian tới. Theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn trái ngày càng lớn. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên để làm được điều này các doanh nghiệp xuất khẩu cần sản xuất theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Chỉ có sản phẩm tốt đạt yêu cầu của các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 1,8 tỷ USD - Ảnh 2.

Trên thị trường thế giới, Thái Lan đang xem xét các biện pháp đáp trả lại Indonexia, sau khi nước này đã ban lệnh cấm nhập khẩu nhãn và sầu riêng của Thái Lan. Điều này khiến trái cây của Thái Lan bế tắc đầu ra và có nguy cơ khủng hoảng thừa do đang đúng vụ thu hoạch.

Theo thông tin ban đầu, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ ban hành ngay lệnh kiểm soát nghiêm ngặt đối với những mặt hàng nhập khẩu từ Indonexia. Tuy nhiên dù thế nào chính phủ cũng sẽ ưu tiên giải pháp tối ưu mà không vi phạm các nguyên tắc cũng như luật pháp thương mại quốc tế, thông qua các cuộc tư vấn từ nhiều cơ quan chuyên môn.

Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu 97.000 tấn nhãn sang Indonexia, trị giá 83,7 triệu USD; lượng sầu riêng đạt 760 tấn và trị giá 1,2 triệu USD. Indonexia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thái Lan, sau Malaysia, Việt Nam và Singapore. Trị giá xuất khẩu trái cây của Thái Lan sang Indonexia đạt 8,8 tỷ USD và thặng dư thương mại 1,4 tỷ USD so với Indonexia.

Giá hạt tiêu tiếp tục giảm

Bài viết mới