Năm 2017, trên nền tảng tăng trưởng tích cực của kinh tế vĩ mô và nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, các cổ phiếu dòng ngân hàng đã có quá trình tăng giá rất ấn tượng.
Trong đó, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – với vị thế là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường – là một trong những cổ phiếu trụ cột của thị trường chứng khoán.
Thị giá BID đã tăng gần 70% trong năm 2017 và tiếp tục bứt tốc trong năm 2018. Từ vùng giá 25.500 đồng tại ngày 29/12/2017, BID dẫn đầu nhóm ngân hàng, “phi” lên giá gần 38.000 đồng ở thời điểm hiện tại, tương đương mức tăng hơn 48%.
Tại thời điểm sáng ngày 26/2, giá cổ phiếu BID được giao dịch ở mức 37.900 đồng, vốn hóa đạt hơn 126,8 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5,5 tỷ USD – là doanh nghiệp có vốn hóa nằm trong top 10 trên sàn HoSE.
Động lực tăng trưởng của cổ phiếu BID được cho là đến từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo báo cáo tài chính năm 2017, thu nhập lãi thuần năm 2017 của BIDV tăng mạnh 32,38%, đạt 31.021 tỷ đồng, trong đó riêng quý IV, thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.000 tỷ đồng, đóng góp 25,78 % vào tổng thu nhập lãi thuần cả năm của BIDV. Lợi nhuận của BIDV đạt hơn 8.800 tỷ đồng, đứng trong nhóm 3 ngân hàng lãi nhiều nhất và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá cổ phiếu cũng như hoạt động của các ngân hàng năm 2018 được kỳ vọng sẽ có sự vượt trội hơn nữa nhờ các nền tảng đã tạo ra từ các năm trước, cũng như quá trình tái cơ cấu giai đoạn 1 thành công.
Trong nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối, BIDV đang có lợi thế hơn các ngân hàng khác bởi room cho nhà đầu tư ngoại gần như còn nguyên vẹn. Nếu lựa chọn được đối tác phù hợp, lượng vốn rót vào BIDV chắc chắn không hề nhỏ và ngân hàng này lại càng có thêm cơ sở để đi lên. Đây có thể cũng là cơ sở mà nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đặt niềm tin và đổ tiền vào BID thời gian qua.