Theo lịch xét xử của TAND TP.HCM , bắt đầu từ 2/1/2018, cơ quan này tiến hành xét xử giai đoạn 2 vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, do thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa.
Tuy nhiên tòa trước thời điểm trên, tòa đã có quyết định hoãn phiên xét xử. Hiện các bên liên quan vụ án chưa rõ nguyên nhân của việc dời thời điểm xét xử vụ án.
Trả lời BizLIVE, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản cho biết hiện chưa có thời gian cụ thể về việc xét xử giai đoạn 2 vụ “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm.
Theo cáo trạng, do kinh doanh thu lỗ, phải trả lãi cao, từ tháng 5- 9/2011, Huyền Như nguyên là Kiểm soát viên, quyền Trưởng Phòng giao dịch Chi nhánh VietinBank TP.HCM, lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank CN Nhà Bè, Vietinbank CN TP.HCM.
Huyền Như đã trực tiếp gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty SBBS, để các công ty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định Nhà nước.
Để dẫn dụ các công ty này, khi tiếp xúc với các đơn vị, người môi giới, Như cam kết ngoài trả lãi theo quy định (14%/năm), còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng (thực tế phần trả thêm Như sử dụng tiền cá nhân để trả).
Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là Kiểm soát viên, Trường Phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân.
Tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty trên là hơn 1.085 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng; Công ty An Lộc hơn 170 tỷ đồng; Công ty Phương Đông 380 tỷ đồng; Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu gần 125 tỷ đồng và Công ty SBBS gần 210 tỷ đồng.
Đối với Võ Anh Tuấn, Tuấn cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện của Công ty Hưng Yên để giúp Như huy động tiền của công ty này. Tuấn biết như có hành vi gian dối lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank CN Nhà Bè do Tuấn làm Phó Giám đốc, đi huy động vốn của Công ty Hưng Yên nhưng đã để mặc cho Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank CN Nhà Bè với Công ty Hưng Yên, làm cho công ty này lầm tưởng Vietinbank CN Nhà Bè huy động tiền gửi của họ nên đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như, nhờ đó mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ.
Bản thân Tuấn cũng được hưởng lợi từ hành vi lừa đảo của Như, trong quá trình Như lừa đảo huy động tiền của các đơn vị và cá nhân, Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ qua Công ty XNK Hoàng Khải, đây là số tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được đưa cho Tuấn sử dụng.
Hành vi của Như và Tuấn đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS. Trong đó, Tuấn phạm tội với vai trò giúp sức cho Như chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỷ.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại. Theo tòa phúc thẩm, hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như là phạm vào tội Tham ô tài sản (tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 278 Bộ luật hình sự) của VietinBank chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng.
Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra kết luận hành vi của Huyền Như là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chấp nhận kết luận điều tra, VKS ban hành cáo trạng và chuyển TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử.
Kê biên thêm tài sản
Về tài sản thu giữ trong vụ án, với Như tài sản bị thu giữ gồm thu giữ tiền hơn 82 tỷ đồng. Thu giữ 3 xe ô tô có tổng giá trị 4,56 tỷ đồng. Kê biên 12 bất động sản là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất. Cụ thể, đất tại xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; 1 căn hộ Ruby 1-3402 thuộc Tòa tháp Ruby1, Khu dân cư Sài Gòn Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, diện tích 293,63m2; 4 căn hộ Orient Apartment tại 331 Bến Văn Đồn, Quận 4; 1 căn biệt thự số 110, Khu biệt thự Nam Phú, Q.7; 1 villa H2 dự án The Nam Hai tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; 2 căn hộ Như mua của Địa ốc Phú Long, đã thanh toán hơn 18 tỷ đồng và Công ty Vinacapital Phước Điền hơn 5,8 tỷ; nhà, đất số 29 đường 3/4, P.3, TP. Đà lạt, Lâm Đồng; biệt thự số 39 thuộc dự án The Garland, Phước Long B, Q.9, đã thanh toán hơn 5,8 tỷ đồng.
Tài sản của Võ Anh Tuấn, kê biên toàn bộ phần công trình đang xây dựng dang dở thuộc Dự án Nhà máy Lau bóng gạo tại xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang, chủ đầu tư CTCP ĐT và PT Hoàng Khải.
Ngoài ra, tài sản các cá nhân được hưởng lợi từ việc môi giới huy động vốn đã thu nộp gồm Vũ Minh Hải, nhân viên Chứng khoán Ngân hàng OceanBank nộp 1,299 tỷ tiền môi giới cho Như huy động tiền của công ty SBBS; Vũ Thị Mỹ Linh, Kế toán trưởng SBBS nộp lại 7 tỷ tiền môi giới cho Như huy động tiền của SBBS; giấy tờ lô đất diện tích 3669m2 tại Đức Hòa, Long An (do Linh và Vũ Minh Hải mua bằng tiền như trả, cơ quan CSĐT kê biên trong giai đoạn điều tra lại).
Lê Tuấn Anh (em trai Lê Thị Thanh Phương) nộp 4,996 tỷ; Ngô Quang Trung (chồng của Phương) nộp 500 triệu, là tiền chênh lệch ngoài hợp đồng do Như chuyển vào tài khoản của Lê Tuấn Anh và Ngô Quang Trung, Như khai trả cho Phương, Trưởng Phòng nguồn vốn Ngân hàng Tiên phong khi huy động tiền của ngân hàng này.
Theo đó tiếp tục duy trì kê biên tài sản, tạm giữ và lệnh phong tỏa tài khoản đối với tài sản trên để đảm bảo thi hành án.