Thời gian gần đây, dư luận khá xôn xao trước thông tin về đề xuất đánh thuế nhà thứ hai với nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, ông Thi khẳng định Bộ Tài chính chưa đưa ra nội dung này.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trong định hướng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 có đề cập đến việc nghiên cứu áp dụng thuế tài sản.
Gần đây, trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016-2020 cũng có nhấn mạnh việc phải khai thác tốt các nguồn thu từ nội địa trong đó có thuế tài sản, tài nguyên môi trường.
“Tuy vậy, việc triển khai như thế nào vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, chưa có gì cụ thể” – ông Thi khẳng định.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có một bản báo cáo liên quan đến thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế đất đai và bất động sản.
Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng, để thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, vì vậy cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản.
Theo Bộ Tài chính, thị trường bất động sản được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới khi hàng loạt chính sách mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các chính sách về tín dụng cho vay bất động sản đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016 như: Mở rộng đối tượng mua, sở hữu nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản, Nhà nước có cơ chế bình ổn thị trường bất động sản, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và khách hàng,…
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng gần 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên.
Đó là những lý do Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản.
Lý giải vấn đề này, theo Bộ Tài chính, ở Việt Nam hiện nay chưa có sắc thuế tài sản riêng, nhưng đã có các chính sách thuế chính liên quan đến tài sản (như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp,…). Tuy nhiên, chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện nay chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho NSNN. Số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng NSNN.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thuế tài sản là loại thuế được ra đời rất sớm trong lịch sử, xuất phát từ thuế đất và đối tượng chịu thuế ngày càng được mở rộng khi nền kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều loại tài sản khác nhau.
Nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt là thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của NSNN, cụ thể nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và thấp nhất là 1%); khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi. Ngoài ra, thuế tài sản được các nước đánh giá là loại thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.
Theo Bộ Tài chính, xu hướng cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia,… thời gian gần đây cho thấy các nước có xu hướng cải cách nguồn thu theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.