Sáng nay ngày 23/5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, đoàn đại biểu Tp. Hà Nội, chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cho rằng, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã xây dựng và thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới để tìm ra mô hình phù hợp cho tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và định hướng phát triển của đất nước. Sự ra đời và nở rộ mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do tại các địa phương trong những năm trước đây đã thu hút được lượng lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các mô hình này chủ yếu dừng ở khâu tạo không gian mặt bằng và một số cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, vận hành của các khu này về cơ bản vẫn theo cung cách và phương thức thông thường, bộ máy quản lý vẫn được tổ chức theo mô hình truyền thống, chưa có những đột phá về thẩm quyền, về phương thức thực hiện, thẩm quyền đặc biệt. Bởi vậy không thể cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế của các quốc gia có vị trí tương đồng với Việt Nam.
Vì vậy, theo đại biểu Thắng, việc xây dựng mô hình mới với sự thay đổi toàn diện từ trong tư duy, nhận thức đến hệ thống thể chế chính sách và phương thức quản lý, điều hành là nhu cầu rất cấp thiết, là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế và là tiền đề cần thiết quan trọng trong công cuộc đổi mới, thể chế kinh tế gắn liền với đổi mới thể chế chính trị. Áp dụng mô hình đặc khu kinh tế mà đa số các nước đã xây dựng và phát triển thành công vào một số đơn vị hành chính có đủ điều kiện, tiềm năng, lợi thế là một hướng đi mới và có thể coi là giải pháp đột phá cho sự phát triển của kinh tế. Là bước chuyển từ cơ chế thụ động, chờ đợi các nhà đầu tư sang cơ chế chủ động chào mời và lựa chọn các nhà đầu tư.
Về các cơ chế chính sách được quy định trong luật, đại biểu Thắng cho biết về cơ bản thống nhất với các nội dung được nêu, nhưng ông vẫn có một vài băn khoăn và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu.
Trước hết, đồng tình với đề án cũng như chiến lược thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại 3 khu vực Bắc, Trung và Tây Nam của Tổ quốc, đại biểu Thắng cho rằng yếu tố cạnh tranh quốc tế phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, 3 đặc khu cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như những điểm mạnh, ưu đãi, lợi thế so sánh quốc gia với các quốc gia khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên gắn với quy hoạch về địa giới hành chính ở mỗi đặc khu để đảm bảo hội tụ đầy đủ sức mạnh, điều kiện cần thiết cho mỗi đặc khu khi muốn cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị bổ sung 3 lĩnh vực vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy hoạch cho cả ba đặc khu, trong đó có 2 lĩnh vực liên quan đến nguồn lực rất quan trọng mà đặc khu nào cũng cần phải có mới đảm bảo yếu tố thành công.
Thứ nhất, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bao gồm chủ yếu các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư, các công ty tài chính. Theo ông Thắng, khi triển khai 3 đặc khu thì phải dành một nguồn lực rất lớn để triển khai và trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn thì việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó quan trọng nhất là đến từ ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực có yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi họ tham gia đầu tư vào đặc khu. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam càng cần thiết khuyến khích hiện diện nhanh chóng của ngân hàng trong và ngoài nước khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ ngân hàng.
Bên cạnh đó sự hiện diện của các ngân hàng, các định chế tài chính cũng đem lại những lợi ích rất lớn về tài chính, về ngân sách khi họ tham gia đầu tư kinh doanh trên thị trường quốc tế. Hầu hết các đặc khu trên thế giới đều dành những điều kiện ưu đãi và quy hoạch những vị trí trung tâm dành cho các ngân hàng, các định chế tài chính. Điều này đã được đúc kết trong kinh nghiệm thành công, thất bại của nhiều đặc khu trên thế giới. Do vậy ông đề xuất đưa lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch xây dựng khu tài chính, ngân hàng cho cả 3 đặc khu.
Thứ hai, lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo ông Thắng, chúng ta đều biết nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đối với ba đặc khu hiện nay thì thiếu cả thầy lẫn thợ, đặc biệt nguồn lực chất lượng cao thì gần như không có, trong khi nhu cầu lại rất cần và đây cũng là yếu tố rất quan trọng khi nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư tại đặc khu, đồng thời để tránh hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đưa nhân lực có trình độ thấp từ nước ngoài đến đặc khu nếu chúng ta không đáp ứng được. Do vậy, vấn đề khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu đối với tất cả các đặc khu, ông Thắng đề xuất đưa lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề vào danh mục ngành nghề ưu tiên cho cả ba đặc khu.
Thứ ba, vấn đề về y tế, cả ba đặc khu đều có chung những lĩnh vực ưu tiên nghỉ dưỡng, khách sạn, casino thì cũng nên được khuyến khích chung về phát triển y tế, ít nhất xây dựng kinh doanh bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh để việc phục vụ cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu. Đây là lĩnh vực đầu tư rất tốn kém, chi phí cao và rất khó thu hút nguồn nhân lực và độ rủi ro rất lớn, nếu không có cơ chế ưu đãi sẽ không thể huy động được nguồn vốn và nguồn lực thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng nói thêm, đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt dựa trên học tập kinh nghiệm và mô hình phù hợp của nước ngoài, nên việc tiến hành phải vừa mạnh dạn, vừa thận trọng nhưng không quá cầu toàn để không làm chậm các cơ hội thu hút đầu tư tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế đất nước. Sau một thời gian sẽ tổng kết, đánh giá để tiến tới hoàn thiện và mở rộng đến các khu vực khác có điều kiện, khả năng phù hợp.