Chủ tịch VCCI: Có hai “ngọn lửa” đang được dấy lên bảo vệ môi trường kinh doanh Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc đã có những chia sẻ, trước Diễn đàn VBF diễn ra sáng nay (11/12), về môi trường kinh doanh cũng như vị thế của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2017, theo ông, môi trường kinh doanh đã có những thay đổi lớn đáng ghi nhận mà trong đó phải kể đến những quyết sách của Đảng và nhà nước với cách nhìn khác về kinh tế tư nhân. Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hay Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là những động lực lớn, mạnh mẽ thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển hơn nữa.

Tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp hồi giữa năm, Thủ tướng đã “ký tươi” Chỉ thị 20 như một tuyên ngôn với cộng đồng doanh nghiệp, theo đó, không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần.

“Nhiều chính sách đột phá, tạo đường hướng phát triển cho doanh nghiệp. Chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp được đề cao với cơ chế đối thoại mạnh mẽ như hiện nay”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Không chỉ Chính phủ mà chuyển động cải cách thủ tục hành chính đã lan xuống các bộ ngành, địa phương. Trong đó, điển hình là Bộ Công thương với lần cắt 675 điều kiện kinh doanh, lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhiều phiên đối thoại giữa địa phương và doanh nghiệp cũng thực chất hơn, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng, ít nhất 2 lần/năm.

Vì vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều khởi sắc với các chỉ số lạc quan được thế giới ghi nhận. Đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm hiện tại đã tăng kỷ lục. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ghi dấu ấn quan trọng sau sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng cách đây ít lâu.

“Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đên Việt Nam, hậu APEC”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chặng đường cải cách, theo ông Lộc vẫn còn gian nan. Việt Nam có tiến bộ nhưng là tiến bộ so với bản thân, còn nhìn ra thế giới, đặc biệt là với chuẩn OECD mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hướng đến, là còn xa.

Vấn đề chi phí vẫn là thách thức lớn, dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp, thậm chí gọi năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Chi phí hiện nay vẫn cao và tăng nhanh, trong đó, ngoài những phí phi chính thức đã được nói đến nhiều, nổi lên là việc lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động, kéo theo phí BHXH cao, phí công đoàn… đè nặng lên doanh nghiệp.

Xã hội hoá dịch vụ công cũng là một trọng tâm ông Lộc lưu ý. Theo ông, cần chuyển giao cho tư nhân ở những lĩnh vực tư nhân có thể làm vì đặt lên bàn cân, tư nhân sẽ làm với chi phí tiết kiệm hơn. Dù vậy, việc chuyển giao này vẫn còn hạn chế.

Nhiều vấn đề, theo Chủ tịch VCCI là không mới, được cộng đồng doanh nghiệp bền bỉ nhắc nhiều lần. Một số trong đó về sau đã được thực hiện, tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu làm sớm thì sẽ giúp doanh nghiệp đỡ vất vả hơn.

Trả lời thêm câu hỏi của báo chí về môi trường kinh doanh, ông Lộc nhấn mạnh, hiện tại, có thêm một ngọn lửa nữa đang được dấy lên, là chống tham nhũng. Cùng với cải cách thể chế, hay ngọn lửa này đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp vững tin giữa việc: xây dựng và bảo vệ, tạo dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Tại diễn đàn VBF lần này, cũng là kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, dự kiến với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tiếp tục được truyền tải những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng, đồng thời được nghe giải đáp trực tiếp từ các bộ ngành liên quan. Ba chủ đề thảo luận chính gồm: Nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; Thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân; Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá.

Phát triển kinh tế tư nhân: Cần gắn kết cả 3 trụ cột kinh tế

Bài viết mới