Sáng ngày 20/10/2017, CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI – HNX) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua phương án sáp nhập và phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần CTCP Sản xuất và Kinh doanh Toàn Mỹ.
Tại Đại hội, ban lãnh đạo của SHI cho biết dự kiến phát hành thêm 18 triệu cp nhằm thực hiện hoán đổi cổ phần cho cổ đông hiện hữu của Toàn Mỹ. Tỷ lệ thực hiện là 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần Toàn Mỹ tại thời điểm chốt quyền sẽ được đổi lấy 2 cổ phần SHI).
Thời gian phát hành cổ phiếu hoán đổi dự kiến có thể trong năm 2017 hoặc đầu năm 2018, sau khi nhận được chấp thuận của UBCKNN. Thời gian phù hợp do HĐQT quyết định.
Dự kiến sau khi hoàn tất tăng vốn để hoán đổi thì SHI sẽ nâng vốn lên 822 tỷ đồng. Đồng thời, Toàn Mỹ sẽ trở thành công ty con của SHI, hình thức hoạt động có thể Công ty TNHH hoặc CTCP.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018 sau khi thực hiện sáp nhập Toàn Mỹ, SHI đặt chỉ tiêu doanh thu 3.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ đồng, trong đó riêng Toàn Mỹ sẽ có doanh thu và lợi nhuận dự kiến lần lượt là 300 tỷ đồng và 32 tỷ đồng.
Theo phân tích của ban lãnh đạo Công ty, Toàn Mỹ là doanh nghiệp tập trung ở thị trường phía Nam. So sánh về giá cả với các sản phẩm cùng loại thì Toàn Mỹ có lợi thế hơn hẳn các thương hiệu khác.
Về lợi thế đất đai, Toàn Mỹ có 3 nhà máy, nhà máy đầu tiên có diện tích nhà xưởng 5.700 m2 tại Bình Dương, 1 nhà máy tại Quảng Nam với nhà xưởng 4.580 m2 trên tổng diện tích được giao là 20.000 m2, nhà máy thứ 3 đặt tại Hải Dương.
Tại Đại hội, một số cổ đông đã đưa ra thắc mắc về việc tại sao lại thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn (mã SHA – HOSE) – đây là doanh nghiệp cũng đang hoạt động rất tốt ở phía Nam, trong khi lại đi mua lại một doanh nghiệp khác cũng hoạt động ở địa bàn này.
Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT của Công ty cho biết, việc thoái vốn khỏi SHA đơn thuần chỉ liên quan đến vấn đề nội bộ. Ông Sơn và người em là ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT của SHA đã cùng nhau sáng lập ra SHA và đi với nhau rất nhiều năm. Khi công ty lớn lên, trong qua trình điều hành đã nảy sinh những mâu thuẫn về mặt quan điểm, trong khi việc giải quyết các vấn đề này là mất khá nhiều thời gian. Ví dụ như trường hợp tái cấu trúc theo hướng holding hay chỉ là một pháp nhân. Tuy nhiên, ông Hà không nhất trí với quan điểm holding mà chỉ muốn là một pháp nhân thôi vì ông Hà lo ngại nhiều pháp nhân sẽ dẫn đến rủi ro.
Ông Sơn đã quyết định phải thay đổi nếu không SHI sẽ bị thụt lùi và việc thoái vốn đã được cả 2 bên thống nhất. Ông Sơn và ông Hà đã thống nhất, SHA sẽ phụ trách toàn bộ nhãn hàng của Sơn Hà từ Quảng Nam trở vào còn SHI là từ Đà Nẵng trở ra.
Còn về việc mua Toàn Mỹ, ý tưởng này đã được Công ty đưa ra từ 5 năm trước, đây là một doanh nghiệp có quá khứ vô cùng tốt, đã có thời điểm Toàn Mỹ tràn ngập ở khu vực phía Bắc, miền Nam và Trung. Tân Á Đại Thành trước đây là một đại lý phân phối hàng của Toàn Mỹ.
Theo những phân tích của ông Sơn về tiềm năng trong tương lai của Toàn Mỹ, việc hoán đổi này là một cơ hội rất tốt ở thời điểm hiện tại trong bối cảnh SHI muốn vào Sài Gòn sẽ phải lấy một tên gọi khác. Tỷ lệ hoán đổi 1:2 cũng khá hợp lý, thậm chí ông Sơn cho rằng tỷ lệ này là vẫn còn rẻ đối với một thương hiệu hơn 20 năm và bớt đi một đối thủ cạnh tranh.
Việc thâu tóm Toàn Mỹ sẽ giúp SHI giải được bài toán vào miền Nam với một danh phận là gì và như thế nào. SHI nhờ vậy có thể mở rộng thị phần tại khu vực miền Nam. Đồng thời, Công ty có thể tận dụng được hệ thống phân phối của Toàn Mỹ tại miền Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh, phân bố lại năng lực sản xuất của Toàn Mỹ tại miền Bắc và miền Trung để tăng hiệu quả.
Còn về khoản 30 tỷ chi cho Toàn Mỹ theo BCTC quý II/2017 thì đây là khoản tiền đặt cọc của SHI và sau khi thương vụ này hoàn tất thì sẽ được trả lại.