Chủ tịch Quốc hội nêu 12 thách thức của đất nước

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội xin chia sẻ với những khó khăn, mất mát và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn trong cơn bão số 10 và lũ lụt thiên tai vừa qua.

“Quốc hội kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ về vật chất và tinh thần, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội cho hay, kỳ họp 4 khai mạc trong bối cảnh còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017. Đến thời điểm này tình hình kinh tế – xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các khó khăn, thách thức đó gồm: Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm.

Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu.

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường,…

“Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội” – Chủ tịch Quội hội nói và nhấn mạnh thời gian tới nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được các mục tiêu đề ra.

Kỳ họp 4 của Quốc hội sẽ xem xét một số nội dung:

Xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 9 dự án luật khác

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Cùng đó là các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ngoài ra còn có báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông.

Quốc hội thảo luận việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về nhân sự thành viên Chính phủ;…

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 23/10

Bài viết mới