Chủ tịch HOSE lên tiếng sau bài báo của Bloomberg về TTCK Việt Nam

Vừa qua, ông Lê Hải Trà, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có những chia sẻ liên quan đến chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Theo ông Trà, VN-Index là chỉ số đầu tiên của thị trường, được tính theo giá trị vốn hóa của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Cách tính của VN-Index là một trong những phương pháp xác định chỉ số phổ nhất trên thế giới.

Với cách tính này, VN-Index sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Những mã có giá trị thị trường càng lớn càng tác động nhiều đến chỉ số. Hiện nay, ba cổ phiếu VIC, VRE và VHM của Tập đoàn Vingroup, CTCP Vincom Retail và CTCP Vinhomes chiếm 23% tổng vốn hóa sàn HOSE (3,18 triệu tỷ đồng), do đó sẽ có ảnh hưởng lớn với VN-Index.

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng, dù có nhược điểm, cách tính của VN-Index vẫn không thể thay đổi vì VN-Index là 1 loại chỉ số có giá trị lịch sử và nghiên cứu học thuật trên thị trường. Mặt khác, tới nay rất nhiều chỉ số khác đã được xây dựng để phục vụ cho những mục đích khác nhau của sở giao dịch, nhà đầu tư, quỹ đầu tư…Đơn cử như để phục vụ cho mục đích phát triển các sản phẩm đầu tư mới, VN30-Index đã ra đời, đây là chỉ số được tính theo vốn hóa thị trường nhưng có điều chỉnh tỷ lệ chuyển nhượng tự do và hạn chế tỷ trọng. Ví dụ, khi mã VRE được vào VN30-Index, giá trị vốn hóa của cổ phiếu này trong bộ chỉ số sẽ được điều chỉnh còn khoảng 33.000 tỷ đồng, (giảm so với con số 88.000 tỷ đồng trong VN-Index).

Điều này lý giải vì sao ETF hay hợp đồng tương lai được phát triển dựa trên VN30-Index mà không phải VN-Index. Bên cạnh chỉ số VN30, bộ chỉ số HOSE Indices còn bao gồm VN100, VNAllshares, VNMidcap, VNSmallcap, 10 chỉ số ngành, chỉ số phát triển bền vững. Các chỉ số này được tính toán theo thông lệ quốc tế có bản quyền. Trong tương lai, ông Trà cho biết, Sở sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chỉ số khác nữa.

Những chia sẻ của vị Chủ tịch HOSE được đưa ra ít hôm, sau khi trang tin Bloomberg có bài viết với nhận định chứng khoán Việt Nam nên được giữ ở nhóm thị trường cận biên bởi nhiều lý do, trong đó có việc một vài cổ phiếu niêm yết trên sàn có sức chi phối lớn đến thị trường như VHM, VRE, VIC, SAB…

Sau khi cổ phiếu VHM lên sàn, top 5 mã lớn nhất thị trường là VHM, VCB, GAS, VIC và VNM chiếm tỷ trọng 40% trong rổ cổ phiếu của VN-Index. Theo đó, phóng viên của trang tin nước ngoài cho rằng Việt Nam không phải là sân chơi của những nhà đầu tư giá trị, “kiểu cũ”.

Tỷ trọng rổ VN-Index thay đổi như thế nào sau khi VinHomes lên sàn?

Bài viết mới