Chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Donald Trump đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham, nói tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, ngày 4/6.
Dù vậy, ông bày tỏ rằng nhiều khoản đầu tư chưa được hiện thực hoá bởi những thách thức đến từ tham nhũng, môi trường pháp lý thể chế và cấp phép chưa rõ rằng, còn phức tạp và hạn chế.
“Các công ty thành viên của chúng tôi cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường cạnh tranh và công bằng hơn”, ông Michael nói và cho biết các quyết định cần ban hành kịp thời hơn, bớt đi những thủ tục rườm rà cũng như cần sự bình đẳng trong pháp luật.
Sự bình đẳng được Chủ tịch Amcham diễn giải là các công ty cạnh tranh bằng chính giá trị của họ, bao gồm khả năng tiếp cận đất đai và các cơ hội khác.
Thực tế, những vấn đề được doanh nghiệp Mỹ đặt ra trên bàn thảo luận VBF năm nay không phải là mới. Các yếu tố này đã nhiều lần được nhắc đến hoặc trực diện, hoặc gián tiếp ra khi trả lời câu hỏi: Tại sao đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam luôn khiêm tốn?
Nhiều năm, số vốn Hoa Kỳ rót vào chỉ quẩn quanh vị trí thứ 9 hoặc 10 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
“Mỹ có tiềm lực kinh tế rất lớn, họ có thể đầu tư ở bất cứ đất nước nào”, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói với Trí Thức Trẻ.
Chính bởi vậy, Mỹ có rất nhiều sự lựa chọn để cân nhắc đầu tư. Hơn nữa, theo ông Thắng, những quốc gia “sân sau” của nước này tại Nam Mỹ có lợi thế về về địa lý, cũng như có điều kiện thuận lợi không kém Việt Nam khiến cho dòng vốn “ngại” đi xa.
Trong khi đó, ông Thắng nhận xét môi trường đầu tư trong nước vẫn còn nhiều điểm trừ như những thủ tục như xin cấp phép đầu tư, xây dựng giải phóng đền bù đất chưa thực sự thuận lợi.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhiều lần nhắc đến cụm từ “chống tham nhũng” hay “thực thi nghiêm chỉnh pháp luật” khi nói về giải pháp thu hút FDI từ Mỹ.
“Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về công khai, minh bạch, dễ dự báo của hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật”, theo GS. Mại.
Hay nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Võ Hồng Phúc cũng từng nhấn mạnh với báo chí rằng “tham nhũng là yếu tố quan trọng cản trở đầu tư của các nước phát triển, bởi vì các nước như Mỹ, EU, không có loại chi phí “bôi trơn” như một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á”. Trong hai nhiệm kỳ, ông Phúc đã nghe nhiều nhà đầu tư than vãn và bỏ đi vì vấn đề này.