Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, trong 3 loại hình doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ luôn cao nhất, có thời điểm lên đến 51% (năm 2008), trong 3 năm 2012 – 2014 xấp xỉ lên đến 48%.
Một điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục, nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, trong khi doanh nghiệp FDI kêu lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề lại có lãi.
Có thể thấy một thực tế thời gian qua, dù hoạt động tích cực và đã chiếm được phần lớn thị phần vận tải hành khách, song 2 hãng taxi Grab và Uber vẫn luôn kêu thua lỗ.
Taxi Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng.(Ảnh minh họa: KT)
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy, từ tháng 2/2014 đến nay, cả taxi Grab và Uber đều lỗ, trong đó Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng khiến dư luận đặt nghi vấn, liệu có hay không việc 2 doanh nghiệp này đang chuyển giá và trốn thuế?
Giải thích về kết quả kinh doanh thua lỗ của mình, hãng taxi Grab cho rằng, lỗ là do chi phí quảng cáo, khuyến mãi quá lớn, dẫn đến thực trạng, sau hơn 3 năm hoạt động, đơn vị này đã bị lỗ lũy kế hơn 938 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây là một lý do khó có thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến cho rằng, đây lại là một trong những chiêu trò chuyển giá trốn thuế đã từng xảy ra ở những doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam.
Bởi không chỉ Uber hay Grab, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp FDI khác như Lottle, Metro, BigC… mặc dù doanh thu rất khủng nhưng vẫn thông báo con số lỗ khổng lồ và đây là vấn đề mới những hình thức không hề mới.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá nhằm trốn thuế dẫn đến Việt Nam thất thu lớn nguồn ngân sách nhà nước. Điều này đặt ra cho nhà quản lý một yêu cầu rằng, làm sao để kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp FDI để hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển giá như đã và đang diễn ra.
Ngay như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi đề cập đến câu chuyện của Grab và Uber cũng phải nghi ngờ rằng, có hay không vấn đề chuyển giá khi một công ty có vốn 20 tỷ đồng, song lại báo lỗ đến gần 938 tỷ đồng?
Hoặc theo cách nhìn nhận của Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), việc các doanh nghiệp taxi này sau thời gian hoạt động tích cực nhưng báo lỗ này là điều không khó hiểu, vì có thể chính phần lỗ đó lẽ ra phải nộp cho nhà nước thì họ lại đem đi khuyến mại cho khách hàng.
Ngoài ra, theo ông Dương Trung Quốc là cần phải thấy rõ được 2 vấn đề: Chủ của Uber hay Grap vẫn ở nước ngoài và họ cứ nghiễm nhiên bỏ túi trên dưới 20% lợi nhuận. Trong khi đó, nếu có rủi ro, thua lỗ tại thị trường Việt Nam thì họ vô can, những hậu quả để lại chính cơ quan nước sở tại phải tự giải quyết.
“Đây là điều chúng ta phải nhìn thấy từ trước, vì bản chất ở đây là chuyển vốn và cách làm của họ là như vậy. Từ câu chuyện này, chúng ta phải nhìn nhận lại những vấn đề đó để điều chỉnh chính những hoạt động sao cho phù hợp với thực tế”, Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Từ những thực tế nêu trên có thể thấy, tình trạng chuyển giá, trốn thuế không chỉ có thể mới xảy ra với doanh nghiệp taxi Uber hay Grab, mà trước đây đã từng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp FDI lớn khác khi hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Chính vì thế, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành tài chính cần phải nhìn nhận lại bản chất của vấn đề để có những thay đổi, cải tiến trong phương thức kiểm soát thuế và nên coi đây là điều cốt lõi.
Theo đó, kiểm soát thuế không chỉ dựa vào hóa đơn chứng từ, hay đến điều tra rồi đưa ra mức thuế khoán như hiện nay, bởi trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh hiện nay có nhiều doanh nghiệp không ở trong lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn có thể tiến hành kinh doanh./.