Chọn 4 nhà đầu tư cho dự án thu phí BOT không dừng giai đoạn 2

Theo kết quả đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, 4 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm Liên danh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (Liên danh Viettel-ITD); Liên danh Công ty cổ phần Viễn thông-Tin học Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Liên danh CTIN-VNPT); Liên danh Công ty cổ phần Giải pháp tòa nhà thông minh và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Liên danh IBS-Vinaconex); Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin-Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ viễn thông Việt Vương-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam-Công ty cổ phần Công nghệ truyền thông DTS (Liên danh Vietinf-VietinBank Capital-VVT-DTS). Dự kiến, tuần sau, Ban Quản lý dự án 2 sẽ tổ chức phát hành hồ sơ mời thầu dự án và tổ chức chấm thầu trong vòng 60 ngày.

Ban Quản lý dự án 2 thông tin, đề xuất Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được phê duyệt ngày 7/6/2016, với tên gọi ở bước phê duyệt đề xuất dự án là Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vốn theo hợp đồng BOO (Xây dựng-Sở hữu-Kinh doanh).

Tổng mức đầu tư phê duyệt tại đề xuất dự án là 2.122 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf) là nhà đầu tư đề xuất dự án. Tuy nhiên, sau khi Dự án được thực hiện sơ tuyển rộng rãi, tổng mức đầu tư đã giảm xuống còn hơn 1.751 tỷ đồng.

Dự án sẽ thực hiện với 44 trạm thu phí BOT trên toàn quốc; trong đó có 11 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sẽ thực hiện trong năm 2018) và các trạm nằm trên các tuyến quốc lộ khác (sẽ thực hiện trong năm 2019). Vietinf là đơn vị thực hiện nghiên cứu khả thi, đề xuất và cũng là đơn vị chuẩn bị dự án.

Cuối tháng 9 sẽ liên thông thu phí BOT không dừng

Bài viết mới