Chờ Nghị định sửa đổi: Hàng nghìn xe taxi có nguy cơ ‘đắp chiếu’

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, tại Điều 17, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có quy định: “Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.”

Do quy định này, theo ông Bình, các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đang có số lượng xe taxi sản xuất từ năm 2010 không tính thời điểm sản xuất là đầu năm hay cuối năm chỉ được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu hoạt động taxi đến hết ngày 31/12/2017 ( đối với những xe taxi sản xuất đầu năm 2010 có niên hạn sử dụng là 8 năm, nhưng những xe sản xuất cuối năm 2010 chỉ có niên hạn sử dụng là 7 năm).

“Quy định này sẽ làm hàng nghìn xe taxi của các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để chờ đầu tư mới thay thế các xe hết hạn phù hiệu và hàng nghìn lái xe taxi sẽ bị mất việc do bị hao hụt khoảng 20-30% xe bị hết niên hạn 8 năm sử dụng mà không có điều kiện để thay mới ngay,” Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đánh giá.

Hơn nữa, ông Bình thừa nhận, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và các hoạt hình xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử hoạt động như taxi đang được hưởng rất nhiều lợi thế của các quy định chính sách dành cho xe hợp đồng mà không bị ràng buộc giống như xe taxi về niên hạn tuổi đời xe, số lượng xe…

Theo Dự thảo của Nghị định 86 sửa đổi quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (hiện đang được Chính phủ nghiên cứu ban hành), tại Điều 16 đã quy định “xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất” đã được các Bộ, ngành, các Hiệp hội đồng ý nhât trí trong Dự thảo, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành trong khi chờ Nghị định 86 sửa đổi ban hành đề nghị cho phép các xe taxi hết niên hạn sử dụng phù hiệu vào cuối năm nay được phép gia hạn thêm 12 tháng.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho rằng, sự thay đổi của dự thảo Nghị định mới này để doanh nghiệp vận tải taxi được nới lỏng, “dễ thở” hơn trong kinh doanh.

Về niên hạn sử dụng xe taxi, ông Minh thẳng thắn cho rằng, khi kinh doanh taxi ở Hà Nội cũng như Bắc Ninh, chất lượng xe thì đã có cơ quan đăng kiểm, xe đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông. Vì vậy, không nên quy định Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì 8 năm còn các đô thị khác là 12 năm mà cần có sự bình đẳng giữa các đô thị.

“Nếu có sự phân biệt về niên hạn sử dụng xe thì sớm muộn các tỉnh, thành khác thành bãi rác của Hà Nội vì không ít doanh nghiệp sau khi xe chạy hết 8 năm ở Thủ đô xong lại mở văn phòng, chi nhánh tại các tỉnh, thành để đưa số xe cũ này về hoạt động,” ông Minh nhấn mạnh./.

Được biết, tại dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu đồng thời quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện nay số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân (Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh; Thành phố Hồ Chí Minh có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh).

Tp.HCM lại đề xuất đưa Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”

Bài viết mới