Cho mượn tiền bằng giấy viết tay có đòi lại được không?

“Viết một cái giấy vay nợ thì có gì khó, nhưng nó thể hiện em không tin tưởng anh. Tiền mượn em, anh chắc chắn sẽ trả. Nếu em sợ mất số tiền ấy, anh sẽ viết giấy nợ cho em”, người yêu Hoài Anh nói với cô như vậy.

Hoài Anh và Đinh Tùng yêu nhau được hai năm. Mối quan hệ cả hai đang rất tốt cho đến khi Đinh Tùng muốn góp vốn cùng một người bạn mở công ty và ngỏ ý muốn vay Hoài Anh số tiền 200 triệu đồng.

Đối với Hoài Anh, dù cả hai chưa tính đến đám cưới, nhưng yêu nhau đã lâu cô có niềm tin tuyệt đối vào người yêu mình. Đinh Tùng vốn là người năng động, có ý chí và trách nhiệm, nên khi thấy anh lo nghĩ cho tương lai Hoài Anh rất mừng.

So với Đinh Tùng, gia đình Hoài Anh có phần khá giả hơn. Số tiền 200 triệu đồng tuy không phải là số tiền nhỏ, nhưng nằm trong khả năng của Hoài Anh. Chị gái cô biết chuyện khuyên em gái cho người yêu vay tiền cũng được, nhưng nên viết giấy vay nợ, vì cả hai chỉ đang trong mối quan hệ yêu đương, không biết tương lai sẽ thế nào.

Hoài Anh gặp Tùng tế nhị hỏi anh về việc viết giấy vay nợ. Nhưng Tùng có vẻ tự ái, nói: “Viết một cái giấy vay nợ thì có gì khó, nhưng nó thể hiện em không tin tưởng anh. Tiền mượn em, anh chắc chắn sẽ trả. Nếu em sợ mất số tiền ấy, anh sẽ viết giấy nợ cho em”. Thấy người yêu phản ứng như vậy, Hoài Anh suy nghĩ rất nhiều. Tình cảm cả hai đang rất tốt, giờ vì chuyện tiền bạc mà bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, Hoài Anh vẫn giao Tùng số tiền đó và thỏa thuận bằng giấy viết tay. Mặc dù mọi chuyện có vẻ ổn thỏa, nhưng Hoài Anh cho biết cả hai không còn được vui vẻ như trước. Dù tin tưởng, nhưng Hoài Anh vẫn sợ nếu có mâu thuẫn thì giấy nợ viết tay đó không dùng được.

Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được quy định như sau:

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:

+ Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

+ Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật Dân sự 2015 thì việc vay tiền bằng giấy viết tay được xem là một giao dịch dân sự, thể hiện bằng hình thức văn bản, là một hợp đồng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch vay tiền.

Vì là một giao dịch dân sự nên giấy vay tiền phải đảm bảo các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Đồng thời, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo các quy định trên, giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong hợp đồng vay tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể trong mỗi hợp đồng và phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên nhưng phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Bài viết mới