Chờ đợi đợt IPO của những “ông trùm” cho thuê khu công nghiệp

IPO các ông lớn cho thuê khu công nghiệp “nóng” lên từng ngày

Mới đây, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – TNHH MTV (IDICO) – “ông trùm” đất cho thuê khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Theo đó, số lượng bán đấu giá là hơn 55,3 triệu cổ phần với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần. Ngoài ra, IDICO cũng sẽ chào bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Nhà nước sẽ thoái vốn và dự kiến đến 31/12/2018 sẽ không còn nắm giữ cổ phần tại IDICO.

Ngày 8/9, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cũng thông báo về việc cấp giấy chứng nhận lưu ký 155,8 triệu cổ phiếu Tín Nghĩa với mã chứng khoán TID. Sau đó, công ty sẽ tiến hành giao dịch trên UPCoM.

Được biết, Tín Nghĩa đã thực hiện chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần từ tháng 5/2016. Tín Nghĩa đã bán cho Nhà đầu tư chiến lược – Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công 35% vốn và Cán bộ, nhân viên, người lao động gần 5,5% vốn. Tỉnh ủy Đồng Nai giữ 50% vốn.

Ngoài ra, VSD cũng thông báo về việc nhận giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp – Sonadezi với mã chứng khoán SNZ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 25/8, VSD nhận lưu ký 376,5 triệu cổ phiếu SNZ. Cổ phiếu này cũng sẽ thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong một diễn biến khác, vào giữa tháng 6/2017, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Becamex IDC. Theo đó, Nhà nước vẫn giữ nguyên 51% vốn điều lệ Becamex IDC, công ty đấu giá công khai 311 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 23,63% và bán cho cổ đông chiến lược 329 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 25%.

“Vua” đất khu công nghiệp Becamex IDC

Sở hữu diện tích khu đất công nghiệp lớn nhất trong các doanh nghiệp sắp IPO phải kể đến Becamex IDC, “ông vua” đất Bình Dương sở hữu hơn 18.500 ha đất. Ngoài ra, tổng công ty còn sở hữu Khu Liên hợp Thành phố mới Bình Dương với tổng diện tích gần 4.200 ha.

Becamex tiền thân là một công ty chuyên thu mua nông sản, được chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty vào năm 2010. Bên cạnh lĩnh vực bất động sản – hạ tầng, Becamex IDC còn đầu tư đa ngành vào nhiều lĩnh vực phụ trợ như đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…

Becamex hiện chưa có nhiều thông tin về kết quả kinh doanh. Theo con số có được từ thông tin doanh nghiệp công bố, năm 2015, doanh thu tăng 59% và LNST tăng 37% cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 6.075 tỷ đồng và 691 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Đơn vị: tỷ đồng

Tổng các khoản nợ phải trả của Becamex IDC trong năm 2015 lên tới 28.640 tỷ đồng, trong đó 18.500 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, nợ dài hạn hơn 10.140 tỷ đồng. Các chỉ số ROE, ROA lần lượt ở mức 8,3% và 1,87%.

Tín Nghĩa – “ông trùm”khu công nghiệp thêm buôn xăng dầu, cà phê

Tổng Công ty Tín Nghĩa được thành lập năm 1989 tại Đồng Nai. Công ty có 4 mảng kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh và chế biến nông sản; kinh doanh dịch vụ logistics. Tín Nghĩa hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần năm 2016.

Tín Nghĩa đã và đang đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500 ha. Tính đến nay các KCN Tín Nghĩa thu hút hơn 250 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ USD.

Kế hoạch 2020 – 2021, Tín Nghĩa sẽ lấp đầy diện tích đất công nghiệp dành để cho thuê tại các khu công nghiệp. Theo đó doanh thu hoạt động tăng dần theo các năm, tốc độ trung bình năm khoảng 16% và lợi nhuận tăng trung bình 13%/năm.

Đối với mặt hàng nông sản, xuất khẩu cà phê, trong giai đoạn 2016 – 2020, công ty sẽ tiếp tục giữ vị trí top 3 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam với cà phê Robusta và Arabica. Công ty tiếp tục duy trì tốc độ tăng sản lượng bình quân khoảng 4%/năm, tăng lợi nhuận khoảng 5%/năm. Đến năm 2020, dự kiến doanh thu cho hoạt động này khoảng 6.700 tỷ đồng, chiếm 33% cơ cấu.

Với mặt hàng xăng dầu, dự kiến phân phối sản lượng khoảng 279 triệu lít/năm giai đoạn 2018 – 2020, lợi nhuận tăng từ 27 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Đơn vị: tỷ đồng

5 năm trước cổ phần hóa, 55% doanh thu của Tín Nghĩa đến từ xuất khẩu cà phê. Giai đoạn 2011 – 2012, lãi vay cao nên thua lỗ liên tiếp. Giai đoạn 2013 – 2016, kết quả kinh doanh của IDICO có sự cải thiện, lợi nhuận tăng dần qua các năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tín Nghĩa có doanh thu và lợi nhuận cùng giảm, lần lượt giảm 23% và 82% cùng kỳ năm trước, đạt 3.361 tỷ đồng và 20,7 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của công ty tại ngày 30/6 là 4.986 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu kỳ. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt 3,22 lần.

Sonadezi – “ông trùm” nắm 33% diện tích đất công nghiệp Đồng Nai

Sonadezi đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu dân cư và đầu tư tài chính. Tổng công ty sở hữu 11 khu công nghiệp trọng điểm, xấp xỉ 33% diện tích đất công nghiệp hiện có của Đồng Nai và đang phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu (Khu công nghiệp Châu Đức).

Tổng diện tích đất phát triển khu công nghiệp của Sonadezi vào khoảng 4.810 ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN của Tổng Công ty hiện nay đạt 50% so với tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.

Ngoài ra, Sonadezi đã góp vốn, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng lớn như: Dự án BOT đường 768, Dự án nâng cấp, cải tạo Cầu Hóa An, Dự án Mở rộng Cảng Đồng Nai, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án khai thác vật liệu xây dựng ở các mỏ đá Thiện Tân, Tân Cảng…

“Ông trùm” Sonadezi trong 6 tháng đạt doanh thu 1.663 tỷ đồng, LNST 245 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng nhẹ không đáng kể thì LNST gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Đơn vị: tỷ đồng

Đơn vị: tỷ đồng

IDICO, trùm đất công nghiệp và BOT

IDICO đã và đang đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành 13 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích khoảng 5.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Một số Khu công nghiệp tiêu biểu như Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch 5 – Tỉnh Đồng Nai; Mỹ Xuân A, Phú Mỹ I2 – Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Kim Hoa – Tỉnh Vĩnh Phúc; Quế Võ 2 – Tỉnh Bắc Ninh…

Ngoài ra, IDICO còn đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện năng, với 4 dự án thủy điện công suất 322 MW, tổng mức đầu tư 7.640 tỷ đồng. Các dự án bao gồm Thủy điện Srok Phu Miêng, Thủy điện Ddak Mi 4 (A, B, C).

IDICO cũng làm 7 dự án giao thông như BOT quốc lộ 2, đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên. BOT cải tạo và mở rộng quốc lộ 51, BOT quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc… Tổng đầu tư các dự án vào khoảng 12.200 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

6 tháng đầu năm, IDICO đạt doanh thu hợp nhất 2.760 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 339 tỷ đồng, tăng 22%.

Trong khi đó, năm 2016, doanh thu IDICO giảm 4% nhưng LNST lại tăng 66%, đạt 449 tỷ đồng. Sự chênh lệnh về LNST đến từ việc ghi nhận lợi nhuận khác 129 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước chỉ chưa đầy 18 tỷ đồng.

Bài viết mới