Sản phẩm của chè Hà Thái được xem là một trong những ví dụ điển hình được Cục Xúc tiến Thương mại đưa ra trong tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các DNNVV của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc công ty, cho biết các chuyến đi ra nước ngoài, sự tư vấn của các chuyên gia trong nước, quốc tế thông qua chương trình của Cục Xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp hiểu rõ khoảng trống đang tồn tại, yêu cầu của mỗi quốc gia mà doanh nghiệp nhắm tới là gì.
“Trước đây, tôi cho rằng do công nghệ sản xuất không hiện đại, hàng chỉ xuất đi được Trung Đông. Tuy nhiên, sau các chuyến thực tế, tôi phát hiện được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ họ rất coi trọng việc sản xuất, chế biến bằng công nghệ truyền thống. Nếu đi sâu, tỉ mẩn vào công nghệ này, sản phẩm sẽ có lối ra mới”, bà Hiền nói.
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, nữ doanh nhân này cho biết nghề chè trong gia đình bà đã được 3 đời, bản thân bà cũng có 50 năm gắn bó với loài cây này. Những cách làm truyền thống, bà nắm rõ nhưng những chuyến tiếp xúc thị trường nước ngoài đã gợi ý cho bà về cách chăm bón mới, tự nhiên và tốt cho cây trồng.
“Chúng tôi chỉ chăm sóc chè bằng chế phẩm sinh học chiết xuất từ cá ngừ đại dương, nhập khẩu từ Mỹ. Tinh dầu đó để làm dinh dưỡng tưới cho trà, thường xuyên 1 tuần/lần”, bà nói. Chế phẩm này, bà nhấn mạnh là có thể uống trực tiếp được.
Lá chè chỉ được ngắt từ 5h – 8h sáng, bằng tay, tỉ mẩn để không bị vỡ từng tế bào, đựng trong rổ tre. Chè được sao trong chảo ga hoặc chảo điện để thành phẩm không bị ảnh hưởng bởi mùi khói, bụi. Công đoạn ủ chè cũng được làm cẩn thận. Bao bì đóng gói, theo bà đã đa dạng hoá và nâng chuẩn, nhập khẩu từ Nhật, Đài Loan cũng như một số công ty liên doanh ở Việt Nam.
Chính nhờ sự tỷ mỉ đó, năm 2017, sản phẩm chè Hà Thái đã dành giải cao trong cuộc thi chè quốc tế Bắc Mỹ. Cơ hội vào thị trường như Mỹ cũng đến từ những điều này.
Thị trường Mỹ tuy khó tính hơn, nhưng giá trị thành phẩm cũng được bán với giá cao hơn. Theo bà Hiền, từ mức 50.000 đồng/kg chè xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, sản phẩm xuất sang Mỹ có giá 15.000.000 đồng/kg.
Dù vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia vào chương trình vẫn còn hạn chế, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
Theo ông, sau 5 năm triển khai, chỉ có 41 doanh nghiệp trong 6 ngành hàng cùng tham gia xây dựng kế hoạch xuất khẩu.
Nói về điều khó khăn nhất trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Lang nhận xét các DNNVV thường khá bảo thủ, khó thuyết phục họ thoát khỏi cách làm cũ để chuyên nghiệp hơn.
“Các DNNVV thường hạn chế về nguồn lực, trong khi đồng hành cùng chương trình thì phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về phương pháp”, ông cho biết và nói thêm “thách thức đầu tiên là phải thuyết phục được doanh nghiệp tham gia cũng như nâng cao sự quyết tâm của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Lang cũng tỏ ra lạc quan về những gì đã đạt được trong ghời gian qua, đơn cử như việc các chủ DNNVV đã biết tự lập ra một kế hoạch xuất khẩu.
“Ý nghĩa chương trình là tính lan toả, cộng hưởng cho cộng đồng. Điều này còn có ý nghĩa cao hơn mức độ thành công của từng doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nói.