Chính quyền TP.HCM đề nghị thu tiền ‘trúng đất’ nhờ mở đường

Theo báo cáo của UBND TP.HCM với HĐND TP.HCM, công tác lập, điều chỉnh và quản lý quy hoạch đô thị đã được triển khai một cách khoa học, từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ quy trình, nội dung và hình thức thực hiện theo quy định.

Việc phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu là công cụ hiệu quả của thành phố trong việc cân đối, kiểm soát các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và phân bố dân cư để thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị và cũng là cơ sở quản lý phát triển đô thị.

Theo UBND TP.HCM, việc đôn đốc xử lý những dự án chậm triển khai đã thúc đẩy chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc cắt giảm ranh dự án đối với phần diện tích không khả thi. Đồng thời, điều này cũng ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư không có nhu cầu thực sự về đầu tư dự án nhưng vẫn lập thủ tục xin dự án để giành đất chờ cơ hội đầu tư. Người dân có đất đã hủy bỏ dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng…

Để công tác quy hoạch đô thị tốt hơn, UBND TP.HCM đã kiến nghị HĐND TP.HCM xem xét cơ chế chính sách điều tiết nguồn thu từ các chủ thể được hưởng lợi từ quỹ đất hai bên đường (đặc biệt là các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án phát triển đô thị) sau khi nhà nước đầu tư đường giao thông hoặc các dự án không đủ quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội (trường học, y tế, công viên cây xanh…) theo quy hoạch.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị HĐND về chính sách ưu đãi, cơ chế giải pháp hợp lý để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học, khuyến khích đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa và tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn về đất đai, thuế, thủ tục hành chính…

Việc này để các nhà đầu tư, tồ chức trong nước và nước ngoài đóng góp đầu tư phát triển các trường ngoài công lập ở các cấp học, bậc học cũng như trường học có yếu tố nước ngoài.

Liên quan đến các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/5000 đã được duyệt từ năm 2013 đến nay, UBND TP.HCM mới đây cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu chức năng đô thị và UBND các quận huyện đôn đốc các đơn vị tư vấn lập, trình thẩm định và phê duyệt bổ sung các đồ án chưa triển khai thực hiện nội dung thiết kế đô thị, nhằm sớm hoàn tất công tác này trước quý 1/2018.

Riêng đối với các đồ án còn lại đã được duyệt trước năm 2013 (trừ 90 đồ án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể), thành phố yêu cầu phải lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị riêng và nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn.

Đối với việc lập mới hoặc điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu từ nay về sau, thành phố lưu ý đơn vị tư vấn phải hoàn tất đầy đủ các nội dung về kiến trúc, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị trong thành phần hồ sơ đồ án trước khi thực hiện thẩm định và trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Đáng chú ý, TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị để cấp giấy phép xây dựng.

Mở đường làm hư gần 36.000 nhà dân, ai đền?

Bài viết mới