Việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một cá nhân cần được cân nhắc thêm về tính hợp Hiến – Thường trực Uỷ ban Pháp luật thể hiện quan điểm về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Dự án luật đặc biệt này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong phiên họp sáng 11/9.
Đây là một dự án luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở Việt Nam, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng lưu ý rằng, dự thảo luật có nhiều chính sách mới, phức tạp, một số cơ chế đang có tính thử nghiệm, thời gian chuẩn bị chưa dài nên nhiều nội dung quan trọng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, các bộ, ngành và địa phương có liên quan.
Vẫn hợp Hiến
Một trong số các nội dung lớn còn có ý kiến rất khác nhau chính là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Chính phủ đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân).
Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là trưởng đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế – xã hội trên địa bàn đơn vị này.
Trưởng đơn vị, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị chịu sự giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị.
Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thẩm tra còn có 3 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án như Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt… Mặt khác, chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định Trưởng đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là đại diện của chính quyền cấp tỉnh tại đơn vị. Theo loại ý kiến này, chính quyền cấp tỉnh trực tiếp thực hiện vai trò của chính quyền địa phương tại đơn vị nên sẽ vẫn phù hợp với Hiến pháp.
Dễ lạm quyền
Loại ý kiến thứ ba cho rằng, việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một cá nhân (trưởng đơn vị) cần được cân nhắc thêm về tính hợp hiến.
Vì, khoản 2 Điều 111 của Hiến pháp quy định “cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”. Trong Hiến pháp không có điều khoản nào xác định chính quyền địa phương có thể tổ chức không đầy đủ hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
Thứ hai, tổ chức chính quyền địa phương theo loại ý kiến thứ hai cũng không phù hợp với Hiến pháp vì đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp là một loại đơn vị hành chính và do đó phải có chính quyền địa phương của mình chứ không thể giao chính quyềncấp tỉnh kiêm nhiệm vai trò chính quyền địa phương tại đơn vị này.
Thứ ba, về tư cách pháp lý, trưởng đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là chính quyền địa phương nhưng không do nhân dân địa phương bầu ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mà do cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức nên không rõ mối quan hệ với chính quyền cấp tỉnh cũng như không có sự liên hệ trực tiếp với nhân dân địa phương.
Thứ tư, việc tập trung nhiều quyền lực (116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực) cho chức danh trưởng đơn vị nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
Hơn nữa, nếu dự thảo luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực – báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Quan điểm của loại ý kiến này là cần nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt baogồm hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân đặc khu, các cơ quan chuyên môn của hội đồng đặc khu, Ủy ban đặc khu và các khu hành chính.
Phương án này thu hẹp thẩm quyền tập thể của Ủy ban đặc khu, tập trung quyền ban hành thể chế để điều hành đơn vị và thẩm quyền điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội vào người đứng đầu Ủy ban đặc khu (trưởng đặc khu); đối với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, ngoại giao thực hiện theo quy định của chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh.
Trưởng đặc khu do hội đồng đặc khu bầu theo danh sách giới thiệu của chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh và được Thủ tướng phê duyệt.
Tán thành loại ý kiến thứ ba, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế – đặc biệt theo loại ý kiến này vừa bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, vừa phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời thể hiện được đặc thù có tính đột phá về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, đồng thời tạo ra tính “vượt trội” trong cơ chế giám sát quyền lực.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, ngoài các chính sách ưu đãi vượt trội về kinh tế – xã hội thì mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của mô hình đặc khu hành chính – kinh tế mới.