Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ Giao thông vận tải rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án sau kết quả thẩm định vốn và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
Cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm hai khu bến chính: khu bến Tiên Sa và khu bến Sơn Trà (Thọ Quang). Trong khi đó, hàng hóa qua cảng ngày càng tăng, năm 2017 đạt trên 8 triệu tấn, tạo áp lực cho hạ tầng giao thông. Do vậy, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để mở rộng hệ thống cảng Đà Nẵng là rất cần thiết, phục vụ cho phát triển kinh tế của Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo tìm hiểu, với tổng mức đầu tư lên tới 7.378 tỷ đồng do Liên danh Boskalis – T&T đề xuất, Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn I được chia làm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần A có chi phí 3.426,3 tỷ đồng – xây dựng kết cấu hàng hải công cộng (đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng), dự kiến 80% kinh phí sẽ huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương (ODA, vốn ngân sách, trái phiếu…) và 20% từ nguồn xã hội hóa.
Đối với hợp phần B có chi phí 3.951,8 tỷ đồng, gồm công trình phục vụ khai thác bến như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, thiết bị khai thác bến…, đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Japan Port Consultants kiến nghị đầu tư toàn bộ bằng hình thức xã hội hóa.
Cơ cấu vốn đầu tư Dự án, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, là phù hợp và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, với thời gian hoàn vốn dự kiến của Dự án giai đoạn I vào khoảng 23 năm. Đây là thời hạn không quá dài so với các dự án PPP cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới.
Trước đó, đầu tháng 1/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn I, do đây là công trình đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về cảng biển.
Trong phần trách nhiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại IA) gồm 5 phân khu chức năng. Đây là cảng biển thứ hai tại Việt Nam (cùng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng đang xây dựng) được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.