Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về kinh tế

Chặn tín dụng đen, bổ sung dự trữ ngoại hối; tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT; tập trung kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế;… là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chủ động theo dõi sát thay đổi chính sách của các đối tác lớn, các nước trong khu vực, diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách, giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Bổ sung dự trữ ngoại hối

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt; thực hiện các giải pháp bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi mua sắm, hội họp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ kê khai và hoàn thuế; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Có giải pháp tổng thể phát triển ổn định thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp biên giới thực hiện quyết liệt các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; không tăng giá điện trong năm 2018; xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Bộ Công Thương triển khai hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp; tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra sản phẩm thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp. Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản để chủ động có giải pháp phù hợp, đặc biệt là việc quản lý giá thép, bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu xây dựng.

Tiếp tục rà soát, giảm phí BOT

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung hoàn thiện các dự án luật theo phân công, trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Rà soát, đánh giá tình hình triển khai Đề án cơ cấu lại tổng thể ngành giao thông vận tải và các đề án cơ cấu lại các lĩnh vực, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; dự án cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm soát xe quá khổ, quá tải, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT, nhất là tại các trạm BOT đã được quyết toán.

Kiểm tra việc sử dụng biên chế

Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức năm 2019 trước ngày 20/7/2018. Xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành y tế và giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số do cơ học.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ sai quy định.

Tổ công tác kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh hoạt động, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chế độ tiếp công dân định kỳ; quản lý, sử dụng biên chế; thực hiện văn hóa công sở.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương thực hiện cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như đã cam kết, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Các thành viên Chính phủ chủ động theo dõi, tập trung chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế đơn thuần

Bài viết mới