“Chính phủ kiến tạo” tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng

Từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nội các đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về “Chính phủ kiến tạo”, nhưng trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường chiều 18/11, lần đầu tiên, đích thân ông nêu định nghĩa của mình trước Quốc hội từ chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi, “Chính phủ kiến tạo” là tuyên ngôn của Chính phủ hay là một mô hình? Nội hàm của nó ra sao và nội dung nào cần nhấn mạnh?

Trả lời đại biểu Lộc, Thủ tướng cho biết, về nội hàm của Chính phủ kiến tạo, ông đã trả lời tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Qua định nghĩa của ông, có 4 nội dung chính của Chính phủ kiến tạo.

Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.

Thứ ba, theo Thủ tướng, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Thứ tư là Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Nhắc Thủ tướng về việc “bỏ sót” một ý trong câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đại biểu Lộc còn hỏi là Chính phủ kiến tạo thì khác gì với Chính phủ điều hành từ trước tới nay?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Như trên tôi đã nêu, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn”.

“Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng để chủ động tốt hơn, chứ không phải rơi vào thế bị động”.

Cũng trong mạch trả lời về xây dựng Chính phủ kiến tạo và cải cách hành chính, Thủ tướng đã bày tỏ một trong những điều lo lắng của ông là việc “trên nóng dưới lạnh”, còn một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn yếu (điều cũng liên quan rất lớn đến năng lực điều hành của chính phủ), Thủ tướng khẳng định sẽ xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực với nhà đầu tư, tiếp tục cải cách hành chính, chất lượng phục vụ của cán bộ.

Liên quan đến việc “lạm dụng” xã hội hóa – một chủ trương rất đúng nhưng lại phát sinh những biến tướng, gây phản ứng trong xã hội hiện nay, Thủ tướng cho biết: phải dựa vào dân, dân biết, dân làm, dân bàn dân kiểm tra thì mới thành công, nên vừa qua Chính phủ thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng “đồng ý là vẫn còn lạm dụng xã hội hoá làm tăng gánh nặng cho người dân. Ví dụ trẻ em đi học còn bị lạm thu, trẻ em mới sinh cũng phải đóng phí thế này thế khác”.

“Đó là điều hết sức vô lý. Chính phủ phải có thể chế minh bạch, công khai, huy động trong dân một cách hợp lý hơn, không vì xã hội hoá mà đè gánh nặng lên người dân”.

“Ta nói vì dân, thì phải làm sao phù hợp sức chịu đựng của người, như thu phí BOT giao thông, mức phí và số năm thu phí phải làm sao cho hợp lý”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng trả lời câu hỏi “rất hóc búa” trước Quốc hội

Bài viết mới