Chiêu chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm

Trong vụ án này, ngoài Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank Chi nhánh TP HCM) thì bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình), cựu cán bộ văn phòng Viettinbank cũng ra tòa với vai trò đồng phạm.

Ngoài ra, những người được xác định “liên quan việc chiếm đoạt tiền” của các công ty cũng bị triệu tập gồm: ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM), ông Trương Hoàng Minh và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP HCM).

Các nguyên đơn dân sự gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc, đại diện VietinBank. Ngoài ra có 16 cá nhân với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.

Theo cáo trạng, do làm ăn kinh doanh thua lỗ, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa là cán bộ ngân hàng trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty với chiêu bài hưởng lãi suất cao.

Ngoài việc hứa trả lãi vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, Huyền Như còn chi thêm chi phí cho người môi giới. Khi các đơn vị chuyển tiền vào ngân hàng thì chj này đã lập chứng từ, giả chữ ký chủ tài khoản để chiếm đoạt tiền trả nợ cho cá nhân.

Tổng cộng, Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty là hơn 1.085 tỉ đồng.

Mặc dù Tuấn biết Huyền Như sai phạm nhưng vẫn để mặc cho hành vi vi phạm pháp luật của Huyền Như gây ra nên cấu thành vai trò đồng phạm với “siêu lừa” Huyền Như.

Bị cáo Huyền Như và Tuấn bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên đến tù chung thân.

Phiên toà xét xử đến ngày 12/2 (27 Tết).

Bài viết mới