Ngân hàng đề ra chiến lược hoàn thành đề án tái cơ cấu và gia tăng năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
Gần đây, Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng ở nhiều hạng mục, nhờ kết quả xử lý tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản lẫn khả năng sinh lợi, huy động và thanh khoản. Sự khôi phục xếp hạng tín nhiệm của Moody’s về mức trước sáp nhập là một trong những tiêu chí quan trọng để nhìn về lộ trình tái cấu trúc của Sacombank.
Sau khi xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án tự tái cơ cấu, Sacombank đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ. Nhóm giải pháp thứ hai là tiến hành tái cấu trúc mô hình hoạt động, tách bạch và nâng cao năng lực quản trị – điều hành – giám sát theo Thông tư 13, áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến và chuẩn mực quốc tế vào hệ thống quản trị rủi ro.
Ngoài quản trị, nhóm giải pháp thứ ba xoay quanh đẩy mạnh phục hồi các hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc nguồn vốn. Hoạt động cho vay theo hướng an toàn hơn để tạo nguồn lực tài chính nhằm xử lý dần các vấn đề tồn đọng, ngân hàng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tăng cường quản trị chuyên nghiệp và liên tục đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ.
Theo đơn vị, ba nhóm giải pháp này đã mang lại kết quả khả quan. Tỷ trọng tài sản tồn đọng trên tổng tài sản tiếp tục giảm mạnh – về mức 3% vào cuối năm 2023. Trước đó, con số khi mới bắt đầu đề án là 28,1% vào năm 2016.
Riêng năm ngoái, số liệu cho thấy ngân hàng thu hồi và xử lý thêm gần 8.000 tỷ đồng, trong đó gần 4.500 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án tái cơ cấu. Sacombank cũng đồng thời trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định với tổng số dư dự phòng rủi ro lên đến 25.099 tỷ đồng, trong đó trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ bán VAMC chưa xử lý.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank năm 2023 đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4% và hoàn thành 101% kế hoạch đặt ra. Các chỉ tiêu sinh lời như ROA hay ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, cao hơn nhiều so với mức năm 2022 (0,31% và 4,47%).
Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cơ bản có sự cải thiện đáng kể, dù bối cảnh nợ xấu toàn ngành đang tăng lên và sức cầu thị trường quốc tế – nội địa vẫn đang ở mức thấp. Quy mô lợi nhuận tăng lên cũng cho thấy hoạt động xử lý nợ xấu đang dần đi đến chặng cuối, đồng thời giúp cấu trúc tài chính ngân hàng ngày càng vững chắc hơn.
Lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ. Vấn đề chia cổ tức do đó luôn là mối quan tâm lớn của các cổ đông ngân hàng này tại mỗi kỳ đại hội cổ đông, khi nhìn vào con số lợi nhuận giữ lại ngày càng lớn. Nguồn tiền để chia cổ tức đã có, vấn đề còn lại là thời điểm chia. Lãnh đạo ngân hàng cho biết các thủ tục cần thiết đã được Sacombank đệ trình Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi được phê duyệt sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách chia cổ tức nhìn chung tùy thuộc vào từng đơn vị. Dù không chia thì giá trị cổ đông cũng không mất đi mà vẫn nằm trong cổ phiếu, chia càng muộn thì giá trị càng cao. Còn tại trường hợp Sacombank, cho dù có muốn chia mà Ngân hàng Nhà nước chưa duyệt thì cũng không thực hiện được. Nếu ngân hàng xử lý xong nợ tồn đọng và trích lập dự phòng đầy đủ, thì phần lợi nhuận giữ lại chính là lợi nhuận của cổ đông.
Việc củng cố nội lực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với những mục tiêu ngày càng cao hơn. Ngân hàng vừa công bố hoàn thành triển khai và ứng dụng Basel III vào cuối năm ngoái. Dự án triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 (IFRS 9) thực hiện đúng tiến độ. Khi hoàn thành, Sacombank sẽ nằm trong nhóm ngân hàng tiên phong áp dụng chuẩn mực kế toán giúp các nhà băng phân loại, đánh giá tài sản và phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
Ở câu chuyện chuyển đổi số, ngân hàng dành nguồn lực để triển khai trên toàn hệ thống trong bối cảnh thực hiện đề án tái cơ cấu suốt 7 năm qua. Nhóm giải pháp chuyển đổi số góp phần giúp đơn vị nằm trong top đầu ngân hàng chuyển đổi số, ra mắt nhiều sản phẩm hiện đại, đa tiện ích, tối ưu trải nghiệm lẫn mức độ an toàn. Gần nhất, nhà băng ra mắt tổng đài chăm sóc khách hàng thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó là hệ thống máy giao dịch STM – sử dụng giọng nói và tương tác chạm để thực hiện các giao dịch…
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết chuyển đổi số không đơn thuần là các dự án công nghệ mới mà phải thay đổi tư duy, thay đổi mô hình kinh doanh và quy trình; nâng cao kỹ năng và năng lực số trong tổ chức mới có thể thành công.
Bên cạnh mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025 là hoàn thành đề án tái cơ cấu, Sacombank còn có kế hoạch dài hạn về phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.
Ngân hàng cũng đã đưa ra chiến lược mới bao gồm bốn trọng tâm cho phát triển bền vững. Các chiến lược gồm: tăng trưởng bền vững – mang lại lợi ích dài hạn; khách hàng là trọng tâm: sản phẩm, dịch vụ luôn xoay quanh lợi ích người dùng. Đi cùng là nhân sự tạo động lực cho phát triển – 99% cán bộ quản lý thăng tiến từ nguồn lực nội bộ; quản trị minh bạch: cơ cấu tổ chức rõ ràng, quản trị rủi ro được ưu tiên và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế mới nhất.
Minh Huy