Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,84 triệu tỷ đồng, tiền gửi của cư dân đạt 6,53 triệu tỷ đồng.
Trong vòng một năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng hơn 1 triệu tỷ đồng, tiền gửi của cư dân tăng thêm 500.000 tỷ đồng. Nếu tính về số tuyệt đối thì chưa bao giờ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng lại tăng cao như vậy.
Tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tính đến tháng 12/2023. Nguồn: NHNN
Tổng phương tiện thanh toán gồm: Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cùng các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực phi tài chính, khu vực hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam) đạt xấp xỉ 16 triệu tỷ đồng, tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước.
Từ tháng 9/2022 đến nay, người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng có xu hướng tăng đáng kể. Bất chấp lãi suất rơi xuống thấp kỷ lục, tổng tiền gửi tháng sau của người dân và doanh nghiệp luôn cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi trên thị trường đang ở mức “chạm đáy”, thậm chí lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm các ngân hàng lớn nhất chỉ dưới 5%/năm. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu xuất hiện xu hướng tăng lãi suất ở một số ngân hàng cổ phần tư nhân.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
MBS dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 – 0,5 điểm % và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3.