Sở Du lịch TP.HCM mới đây đã công bố mức chi tiêu, thời gian lưu trú… của khách du lịch đến TP. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh: “Nói rằng khách đến TP.HCM không biết mua gì là hơi chủ quan”.
Chi tiêu của du khách chỉ tăng 12 USD
. Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào ông đưa ra đánh giá trên?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ
+ Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Để biết được du khách chi tiêu nhiều hay ít, Sở Du lịch đã phối hợp cùng Cục Thống kê TP.HCM phân tích và đánh giá thị trường khách du lịch đến TP năm 2017. Kết quả ban đầu cho thấy số tiền khách quốc tế chi tiêu khi đến TP.HCM vào khoảng 145 USD/người/ngày , tương đương 3,3 triệu đồng. Trong khi đó mỗi lượt khách nội địa có mức chi tiêu chỉ 1,58 triệu đồng/ngày, thấp hơn một nửa so với khách quốc tế.
Thời gian lưu trú bình quân của một lượt khách quốc tế đến TP.HCM là 5,21 ngày. Trong tổng số khách được khảo sát cho thấy có 40% lưu trú 8-14 ngày, 48% khách ở lại 4-7 ngày.
. Có ý kiến cho rằng mức chi tiêu như vậy là quá thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch TP.HCM, đặc biệt là so với các TP của các nước trong khu vực (ví dụ khách đến Thái Lan chi khoảng 150 USD/ngày, ở lại chín ngày rưỡi), thưa ông?
+ Chúng tôi đã so sánh với trước đây. Kết quả điều tra năm 2013 do Tổng cục Du lịch thực hiện cho thấy: Thời gian lưu trú bình quân của du khách khi đến TP.HCM khoảng năm ngày/chuyến du lịch. Chi tiêu bình quân của du khách giai đoạn đó là 133 USD/ngày. Kết quả năm 2017 cho thấy chi tiêu của khách tăng lên 145 USD/ngày, tức tăng 12 USD/ngày. Khoản gia tăng này không nhiều nhưng có xu hướng tích cực.
. Đã có du khách nhận xét dịch vụ du lịch tại TP.HCM còn đơn điệu, sản phẩm nghèo nàn nên họ không biết mua gì và chơi ở đâu. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
+ Nếu nói du khách đến TP.HCM không biết mua gì thì hơi chủ quan! Vì thực tế TP có nhiều trung tâm mua sắm, dù những trung tâm thương mại của TP chưa thật sự hoành tráng nhưng hàng hóa đều là cao cấp của các thương hiệu thế giới hội tụ. Bên cạnh đó, hàng trong nước cũng phong phú.
Tuy nhiên, phải thừa nhận chúng ta đang thiếu một trung tâm mua sắm chuyên về hàng Việt Nam trong đó gồm đồ dùng, hàng lưu niệm, đặc biệt là hàng hóa xuất xứ từ TP.HCM. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư vào những trung tâm như vậy.
TP.HCM còn thiếu những sản phẩm, dịch vụ đặc sắc để hấp dẫn khách quốc tế. Ảnh: TÚ UYÊN
Tạo ra thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn
. Đại diện một công ty du lịch từng nói: Khách đến Las Vegas (Mỹ) chơi casino, đến Thái Lan để đắm chìm trong các thiên đường giải trí. Trong khi đó TP.HCM không có nhiều chỗ vui chơi thú vị, đặc biệt là những tổ hợp du lịch giải trí về đêm, các điểm vui chơi sau 0 giờ…
+ Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các sở, ngành liên quan hình thành những dịch vụ mà TP có lợi thế nhưng chưa khai thác triệt để. Điển hình như du lịch y tế, du lịch kết hợp hội nghị. Vì vậy, nếu trước đây du khách đến TP chủ yếu là tham quan, nay họ có thể kết hợp làm đẹp, chăm sóc nha khoa, mua sắm.
Mặt khác, TP.HCM cũng nâng cao dịch vụ lưu trú hạng sang. Ví dụ, ngoài các khách sạn 4-5 sao đang khai thác, các doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư để hình thành thêm những dịch vụ cơ sở lưu trú cao cấp. Như vậy, du khách khi đến TP sẽ có thêm cơ hội lưu trú dài ngày và chi tiêu mua sắm nhiều hơn.
. TP.HCM dẫn đầu cả nước về lượng du khách quốc tế nhưng vấn đề là làm sao thu hút được nguồn khách ở các thị trường chi tiêu cao như Mỹ, Nhật, Pháp…?
+ Để làm được điều này, chúng tôi nghiên cứu kỹ thị hiếu của khách từ các thị trường. Từ đó chọn sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu, góp phần tăng chi tiêu của khách. Chẳng hạn qua làm việc với các công ty du lịch, chúng tôi nắm được thị hiếu khách Ấn Độ. Họ quan tâm đến điểm mạnh của TP là mua sắm và các trải nghiệm về đêm, nếu quảng bá được điểm mạnh này TP sẽ thu hút được khách Ấn Độ. Hoặc thị trường Mỹ dù chưa có đường bay trực tiếp nhưng tiềm năng lớn và chi tiêu của du khách cao, do đó tập trung quảng bá, đầu tư tại thị trường này.
Ngành du lịch TP.HCM cũng phối hợp chặt chẽ cùng các quận, huyện để hình thành những sản phẩm du lịch mới, những tuyến đường chuyên doanh. Từ đó tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
. Xin cám ơn ông.
Quá thấp so với các nước
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ sáu trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017 khi đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế.
Lượng khách đến đông nhưng thực tế cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam đang chi tiêu rất ít so với các quốc gia, TP khác như Seoul, Bali, Phuket, Kuala Lumpur, Sydney, Hong Kong. Ví dụ, khách ở thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore chi tiêu bình quân 1.133 USD/khách. Riêng năm 2016, khách quốc tế đến Thái Lan tiêu xài 47 tỉ USD. Trong khi Việt Nam kỳ vọng trong ba năm tới mỗi khách đến Việt Nam chi tiêu khoảng 1.000 USD, từ mức khoảng 860 USD hiện nay.
Mặt khác, chi phí của khách quốc tế đến với Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở khoản dành cho đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan. Trong khi tạo nên nhiều giá trị gia tăng là dịch vụ như mua sắm thì hầu bao của khách du lịch dành cho mục này còn thấp. Nhiều du khách cho hay họ đến Việt Nam để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh và về.
Cụ thể tỉ lệ chi phí du khách đến Việt Nam dành cho mua sắm mới chiếm khoảng 15%-18%. Trong khi tại Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉ lệ này chiếm 40%-50%, thậm chí đến 60%-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.