Chỉ số quan trọng FED dùng làm thước đo lạm phát bất ngờ tăng vượt dự kiến, hé lộ áp lực với lãi suất

TIN MỚI

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm thực phẩm đã tăng 0,6% trong tháng và tăng 4,7% so với một năm trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm 24/2. Phố Wall kỳ vọng mức tăng này chỉ là 0,5% so với tháng trước và 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 12, chỉ số này tăng 0,4% so với tháng 11 và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tính cả giá cả thực phẩm và năng lượng, lạm phát sẽ lần lượt là 0,6% và 5,4%, cao hơn so với 0,2% và 5,3% của tháng 12.

Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, trong đó Dow Jones đóng cửa với mức giảm 336 điểm.

“Thông tin về lạm phát nối dài những tin tức không thân thiện với thị trường thời gian gần đây. Điều này có thể khiến FED duy trì chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn so với mong đợi của thị trường. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp”, Matt Peron của Janus Henderson Investors cho biết.

Ông này cũng cho rằng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát cuối cùng sẽ trở lại mức vừa phải nhưng lãi suất cao kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả.

Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng hơn khi giá tăng. Cụ thể, nó tăng 1,8%, nhiều hơn so với ước tính 1,4%. Điều chỉnh theo lạm phát, giá tăng 1,1%.

Thu nhập cá nhân được điều chỉnh theo lạm phát tăng 1,4%, cao hơn ước tính 1,2%. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng tăng lên 4,7%.

Tất cả các con số cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2023, đặt FED vào tình thế có khả năng sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương đã đẩy lãi suất chuẩn lên 4,5% kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, khi lạm phát đạt mức cao nhất 41 năm.

Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho biết: “Rõ ràng, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED chưa tác động đủ đến người tiêu dùng và cho thấy FED còn nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục tiêu. Nhiều khả năng, FED tiếp tục tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp tiếp theo nhưng con số này cho thấy FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sau đó”.

Chính vì sự không chắc chắn trong quyết định của FED sẽ khiến thị trường chứng khoán tiếp tục dao động.

PCE là thước đo mà FED khá tin dùng trong đánh giá lạm phát vì nó điều chỉnh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, chẳng hạn như mua hàng hóa đắt tiền hơn thay vì lựa chọn hàng hóa rẻ tiền…. Điều đó cung cấp một cái nhìn chính xác hơn về chi phí sinh hoạt.

Các nhà hoạch định chính sách có xu hướng tập trung nhiều hơn vào lạm phát cơ bản vì họ tin nó mang lại cái nhìn dài hạn tốt hơn về lạm phát. Theo báo cáo hôm 24/2, phần lớn lạm phát gia tăng trong tháng 1 là do giá năng lượng tăng 2%, giá thực phẩm tăng 0,4% còn giá hàng hóa và dịch vụ đều tăng 0,6%. Trên cơ sở hàng năm, giá lương thực tăng 11,1% trong khi giá năng lượng tăng 9,6%.

Tham khảo: CNBC

Nỗi lo sợ lớn nhất của Chủ tịch Fed có nguy cơ trở thành sự thật, con đường ngừng tăng lãi suất còn lắm chông gai

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Bài viết mới