Báo cáo chỉ rõ, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Doing Business 2017. Nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thailand (xếp thứ 67), Malaysia (xếp thứ 73).
Đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các tiêu chí như: số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp). Hầu hết các tiêu chí này đều có sự cải thiện so với năm trước đó.
Cụ thể, thời gian nộp thuế bao gồm cả bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam là 498 giờ mỗi năm; trong đó riêng thời gian nộp thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ. So với năm ngoái, thời gian nộp bảo hiểm xã hội đã giảm 42 giờ và thời gian nộp thuế không thay đổi.
Tuy nhiên, theo Tổng Cục thuế Doing Business 2018 chưa ghi nhận một số những cải cách về chính sách, thủ tục hành chính thuế để giảm giờ nộp thuế mà Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã thực hiện trong năm 2015 – 2016.
Tổng Cục Thuế cho biết trên thực tế, số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện chỉ còn 117 giờ/năm.
Nhưng WB cho rằng, những cải cách để giảm giờ nộp thuế trong các năm 2015 – 2016 mặc dù chưa được đánh giá trong Doing Business 2018, nhưng những cải cách mà ngành thuế thực hiện đã góp phần tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian trong thực tế.
Về số lần nộp thuế trong năm của báo cáo năm nay với Việt Nam là 14 lần, giảm 17 lần (trong đó thuế giảm được 6 lần, bảo hiểm xã hội giảm được 11 lần).
Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận trong báo cáo năm nay của Việt Nam cũng ở mức 38,1% (thuế 13,2%, bảo hiểm xã hội 24,8%), giảm 1,3% so với năm 2017, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 1,2%, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất là 0,08%.
Theo WB, kết quả này đã khẳng định những nỗ lực cải cách hành chính của ngành thuế trong những năm qua, cả về thể chế và công tác quản lý thuế.
Về thể chế, ngành thuế đã ban hành các văn bản để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, luôn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng thể chế, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới, thực hiện nghiêm việc rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính theo quy định.