Chỉ số cạnh tranh: Việt Nam tăng nhưng các nước khác cũng thay đổi mạnh mẽ

Ngân hàng Thế giới ( WB ) vừa công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 cho thấy, với hàng loạt chỉ số tăng điểm, Việt Nam đã tăng tới 14 bậc so với năm ngoái, xếp vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá.

Bình luận về những thay đổi trong thủ tục hành chính và các chỉ số, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) cho biết, các năm trước có chỉ số chuyển biến nhanh, có chỉ số chuyển biến chậm nhưng năm nay có tới 8 chỉ số đều tăng và tăng rất mạnh, không có chỉ số xếp hạng nào của Việt Nam bị tụt bậc. “Điều này cho thấy sự chuyển động đồng đều của các bộ ngành và vai trò rất rõ của Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, các cải cách có độ trễ nhất định như lĩnh vực nộp thuế hay tiếp cận điện năng dù đã thực hiện 3-4 năm nay nhưng 2 năm gần đây kết quả xếp hạng mới thể hiện một cách rõ nét nhất.

Cụ thể, lĩnh vực thuế, những cải cách được thực hiện từ năm 2015 – 2016 nhưng đến nay mới có thể thấy rõ những tác dụng như: Một luật sửa 6 luật liên quan đến thuế hay một nghị định sửa 5 nghị định về thuế.

Hay chỉ số liên quan đến nộp thuế và bảo hiểm xã hội trước đây luôn xếp hạng thấp trong Doing Business nhưng đã có sự cải thiện ngoạn mục khi tăng 81 bậc lên xếp vị trí 86/190.

“Tuy nhiên, dù có cải cách nhưng nhìn trên bảng xếp hạng, có thể thấy thời gian, không gian cải cách trong lĩnh vực thuế vẫn còn nhiều. Thời gian nộp thuế hiện giảm rất mạnh nhưng vẫn là mức cao và khoảng cách vẫn còn xa so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Ngành thuế cần tiếp tục có nhiều cải cách mạnh mẽ hơn nữa”, ông Tuấn lưu ý.

Liên quan đến chỉ số tiếp cận điện năng được ghi nhận là 1 trong 5 cải cách lớn được ghi nhận, ông Tuấn cho biết, ngành điện thời gian gần đây đã tập trung cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận điện năng. Doing Business cũng ghi nhận những thay đổi trong thanh toán của ngành điện giúp mọi giao dịch thuận tiện hơn. Điểm đáng ghi nhận nữa là ngành này đã tập trung quan tâm hơn đến nhu cầu của khách hàng sử dụng điện. Các chương trình đánh giá sự hài lòng của khách hàng, các chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng cũng nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng cho biết, khảo sát của VCCI những năm gần đây cũng cho thấy , việc áp dụng hóa đơn điện tử, thanh toán online, tra cứu thông tin trên mạng… là những chuyển biến đáng ghi nhận.

Dù nhiều chỉ số đã được ghi nhận với nhiều chuyến biến tích cực tuy nhiên thực tế doanh nghiệp vẫn phàn nàn về điều kiện kinh doanh, các thru tục hành chính, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, vấn đề lớn của Việt Nam là từ quy định đến thực tiễn luôn có khoảng cách dài.

“Quy định tốt chưa chắc đã thực hiện tốt. Việc ban hành một quy định mới không có có nghĩa lĩnh vực đó sẽ có chuyển biến lớn. Vì vậy, việc thúc đẩy thực thi, quá trình giám sát thực thi cũng là vấn đề lớn”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn khẳng định, nếu chỉ hài với Doing Business thì không thể đủ. Cải thiện các quy định phù hợp thông lệ quốc tế cũng là nhu cầu rất cần thiết. Có thể nói Chính phủ đang làm rất tốt nhưng cần đảm bảo doanh nghiệp thụ hưởng được các thủ tục hành chính thuận lợi. Phải đảm bảo doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử, không bị thuế, hải quan “hành”. Mọi thứ phải tin cậy, minh bạch, thuận lợi.

“Việt Nam tăng hạng nhưng các nước khác như Indonesia, Malaysia…cũng có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Dù tăng bậc mạnh nhưng chỉ xét trong ASEAN, Việt Nam vẫn mới chỉ trong top 5, chưa lọt được vào top 4, top 3. Vì vậy, cho rằng mình đã làm tốt rồi thì khó có thể thay đổi được so với sự thay đổi cạnh tranh từ các nước. Việt Nam chúng ta chưa thể hài lòng với kết quả hiện tại và cần cố gắng hơn nữa trong kết quả Doing Business”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Vì sao Việt Nam tiến vượt bậc về môi trường kinh doanh?

Bài viết mới