Với sự phát triển của nền kinh tế Đông Nam Á, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản tiếp tục tăng trưởng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành xây dựng.
Ngành xây dựng ở khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2023-2032, theo báo cáo “Research Report on Southeast Asia Construction Industry 2023-2032” được thực hiện bởi Research and Markets.
Chi phí lao động và đất đai của khu vực Đông Nam Á tương đối rẻ so với những thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã giúp thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển năng lực sản xuất sang Đông Nam Á.
Từ đây, các hoạt động thương mại được mở rộng và sự phát triển của bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại và lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy ngành xây dựng của khu vực.
Mặt khác, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, ngành bất động sản cũng tăng trưởng nhanh chóng, qua đó tạo ra mối quan hệ tương quan, cũng giúp thúc đẩy ngành xây dựng phát triển.
Sự phát triển của ngành xây dựng ở các nước Đông Nam Á rất khác nhau, chẳng hạn như Việt Nam và Indonesia, nơi ngành xây dựng đang phát triển nhanh chóng. Trong khi ngành xây dựng ở các nước khác trong khu vực như Myanmar và Campuchia tương đối lạc hậu.
Khu vực Đông Nam Á trong báo cáo của Research and Markets bao gồm 10 quốc gia: Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Brunei, Lào và Campuchia.
Với tổng dân số hơn 600 triệu người tính đến cuối năm 2021, Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể cao hơn mức trung bình toàn cầu và được đánh giá là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Trình độ kinh tế của 10 quốc gia Đông Nam Á khác nhau rất nhiều, trong đó Singapore là quốc gia phát triển duy nhất có GDP bình quân đầu người khoảng 73.000 USD vào năm 2021. Trong khi Myanmar và Campuchia lại có mức GDP bình quân đầu người dưới 2.000 USD vào năm 2021.
Dân số và mức lương tối thiểu cũng khác nhau rất nhiều giữa các quốc gia trong khu vực, với Brunei là quốc gia có dân số nhỏ nhất, có tổng dân số dưới 500.000 người vào năm 2021. Ngược lại, Indonesia lại là quốc gia có dân số lớn nhất, với dân số khoảng 275 người tính đến cùng thời điểm, thuộc top các quốc gia có dân số đông bậc nhất thế giới.
Các quốc gia có nền kinh tế tiến bộ nhất ở Đông Nam Á không có mức lương tối thiểu hợp pháp, với mức lương tối thiểu thực tế chỉ vượt quá khoảng 400 USD/tháng (đối với người lao động nước ngoài), thậm chí mức lương tối thiểu thấp nhất ở Myanmar chỉ khoảng 93 USD mỗi tháng.