Chỉ nỗi sợ chiến tranh thương mại cũng đủ khiến kinh tế thế giới lạc nhịp

Khi mà nội các của Tổng thống Trump chĩa “vũ khí” thuế quan vào cả các địch thủ lẫn các nước đồng minh, kéo theo những đòn trả đũa trên diện rộng, hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn và sụt giảm, cuối cùng là tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị tổn hại. Mới đây nhất, Mỹ thông báo áp mức thuế bổ sung 25% vào 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả với động thái tương tự.

Trong khi xung đột lan ra, dòng chảy hàng hóa tại những bến cảng và cảng hàng không trên toàn thế giới đang chậm lại. Giá nguyên vật liệu thô thì tăng lên. Tại khắp các nhà máy từ ở Đức đến Mexico, các đơn hàng bị cắt giảm và hoạt động đầu tư bị trì hoãn. Chính người nông dân Mỹ cũng bị thiệt hại khi nông sản xuất khẩu của Mỹ là đối tượng đầu tiên bị nhắm tới khi các đối tác thương mại trả đũa.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng những gì họ đang làm chính là cách để buộc các tập đoàn đa quốc gia phải mang hoạt động sản xuất trở về quê nhà. Tổng thống khẳng định “rất dễ để giành chiến thắng” trong các cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời thề sẽ làm cho cán cân thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Đức cân bằng trở lại.

Tất nhiên lý lẽ của ông Trump cũng có chỗ đúng và người ta vẫn hi vọng rằng những diễn biến vừa qua chỉ là “đòn gió” đem lại lợi thế đàm phán cho nước Mỹ chứ không phải Mỹ thật sự muốn thổi bùng lên 1 cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó là 1 nền kinh tế lớn đang ở trong trạng thái khỏe mạnh, Mỹ có thể dễ dàng tìm thấy khách hàng nội địa cho các hàng hóa và dịch vụ bị các nước khác từ chối nhập khẩu.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng các cuộc chiến tranh thương mại là hết sức tốn kém nếu các hành động trả đũa tiếp tục leo thang như hiện nay. Và có 1 nỗi sợ đang ngày càng khắc sâu: chiến tranh thương mại trên diện rộng có thể nhấn chìm cả thế giới.

Đối với các doanh nghiệp, họ đã phải nghĩ đến hệ lụy của cuộc chiến ngay từ khi các chính sách thuế chưa chính thức có hiệu lực. Treo lửng lơ trên đầu họ là những mối đe dọa đến chuỗi cung ứng, sự bất ổn của môi trường thương mại toàn cầu và cả nỗi lo điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. “Chỉ cần nói về chủ nghĩa bảo hộ cũng đồng nghĩa rắc rối đang đến”, Marie Owens Thomse, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Indosuez Wealth Management có trụ sở ở Geneva nói. “Đó là 1 mối đe dọa hiện hữu đối với kinh tế thế giới”.

Theo IATA, sau 2 năm tăng trưởng tốt, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trên toàn thế giới đã đi ngang trong 3 tháng đầu năm 2018, đặc biệt giảm sút ở châu Âu và châu Á. Giá cước vận chuyển bằng tàu container – những “cỗ xe ngựa” của thương mại toàn cầu, đã đứng im kể từ mùa thu năm ngoái sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ.

Chỉ số theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu do Oxford Economics tính toán cũng đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017.

Điều tệ hại hơn là hoạt động thương mại toàn cầu bị đe dọa ngay ở thời điểm kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức quan trọng khác.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Tổng thống Trump đã đẩy giá dầu lên cao, gây thêm áp lực cho các nước nhập khẩu dầu trên toàn thế giới. Kinh tế châu Âu thì đang yếu đi với “đầu tàu” là kinh tế Đức ở trong trạng thái đặc biệt dễ tổn thương. Cả Cục dự trữ liên bang Mỹ và NHTW châu Âu đều đang trên đường rút lại dòng tiền giá rẻ mà họ đã bơm vào nền kinh tế để chống đỡ với khủng hoảng 2008, khiến chi phí lãi vay tăng lên.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu hơn 600 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Canada và Mexico – 2 thành viên còn lại của hiệp định NAFTA mà Mỹ đang đe dọa sẽ phá bỏ. Người Mỹ đã mua hơn 500 tỷ USD hàng hóa từ các nhà kho của Trung Quốc, cộng với 450 tỷ USD khác từ các nước EU. Tổng cộng chúng ta có khối lượng hàng hóa dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.

“Nếu bất cứ mối quan hệ nào trong 3 mối quan hệ kể trên bị phá vỡ, chúng ta sẽ sớm cảm nhận được các tác động. Sẽ khá nghiêm trọng nếu bạn phá vỡ cả 3 cùng một lúc”, Adam Slater, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, nói.

Nạn nhân không chỉ là các nước bị Mỹ đánh thuế

Đối với thành phố Houston của nước Mỹ, nơi vẫn đang trong quá trình hồi phục sau khi bị siêu bão Harvey tàn phá nặng nề, thuế thép giống như 1 cơn bão khác đang hiện diện ở đường chân trời.

Có gần 200 điểm đỗ, cảng Houston là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất hành tinh. Đây cũng là nguồn chính cung cấp công ăn việc làm cho người dân địa phương, và là nơi nhập khẩu thép nhiều nhất ở Bắc Mỹ. Gần đây lượng thép nhập khẩu, đặc biệt là các ống thép sử dụng trong ngành năng lượng, đã tăng lên. Cách đây 6 năm, khi cựu Tổng thống George W.Bush đánh thuế thép nhập khẩu, hoạt động nhập khẩu đã giảm rất mạnh.

Trong khi các công ty sản xuất sắt thép xuất khẩu vào Mỹ dễ dàng cảm nhận được những thách thức đe dọa trực tiếp hoạt động kinh doanh của mình, khách hàng của những công ty này ngay tại chính nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng: thuế khiến giá nguyên vật liệu tăng và đầu tư bị thu hẹp.

Electrolux, nhà sản xuất đồ gia dụng của Thụy Điển, mới đây đã hoãn kế hoạch nâng cấp nhà máy ở bang Tennessee vì lo ngại những bất ổn từ thuế mới. Ở ngoại ô Austin, bang Texas, Matt Bush – lãnh đạo của 1 công ty chuyên sản xuất các cấu trúc được sử dụng trong các tòa nhà văn phòng, cho biết thuế nhập khẩu thép có thể buộc công ty phát sinh thêm 50.000 USD chi phí mỗi tháng cho việc mua kim loại.

Ở Mexico, nỗi lo đã hiện hữu ngay sau khi ông Trump nhậm chức với lời đe dọa sẽ phá bỏ NAFTA và xây bức tường dọc biên giới 2 nước. Đồng peso giảm giá trị khiến người dân thường bị ảnh hưởng không nhỏ vì mọi hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đều tăng giá.

“Tổng thống Trump đang khiến chúng tôi phá sản”, Gustavo Ferreyra Olivares, 1 người đã có 35 năm bán trái cây tại 1 ngôi chợ ở Mexico City nói. Hầu hết hoa quả tươi bán trong cửa hàng của ông đều được trồng ở Mexico nhưng những trái táo Granny Smith hay táo Gala và Red Delicious đều nằm trong thùng carton gắn mác Mỹ. Nhờ NAFTA, Mexico đã trở thành nước nhập khẩu táo Mỹ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên số lượng đang giảm xuống nhanh chóng vì giá tăng gần 20% chỉ trong 1 tuần.

Để trả đũa thuế thép của ông Trump, Chính phủ Mexico mới đây đã áp thuế 20% lên táo nhập khẩu từ Mỹ. Như vậy Ferreyra sẽ khó bán táo Mỹ hơn và ông cũng dự đoán những người nông dân ở bên kia biên giới chắc chắn sẽ bị tổn hại.

Thị trường hàng hóa toàn cầu bị tác động rất lớn bởi xung đột thương mại, đặc biệt là khi Trung Quốc tìm kiếm những nguồn thay thế cho các nhà cung ứng Mỹ. Trong mấy năm gần đây, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng đi kèm với nhu cầu thịt lợn tăng cao, kéo theo lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh. Khi đậu tương trở thành đối tượng ngay lập tức bị nhắm đến để Trung Quốc trả đũa Mỹ, các công ty chăn nuôi lợn Trung Quốc chuyển sang tìm các nhà cung ứng ở Brazil và Argentina, những nước duy nhất có thể sản xuất đủ đậu tương để thay thế nguồn cung từ Mỹ.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Jesper Pagh ngồi trong văn phòng ở Copenhagen và theo dõi sát sao hệ lụy: giá đậu tương thế giới tăng vọt. Pagh phụ trách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại tập đoàn nông nghiệp DLG Group, chuyên phục vụ các khách hàng ở Thụy Điển, Đức và Đan Mạch với nguồn hàng chính đến từ Nam Phi. Giờ đây động thái của Trung Quốc đang khiến giá tăng.

Đã quá quen với các biến động giá trên thị trường hàng hóa, công ty của Pagh có một lựa chọn khôn ngoan hơn là dựa vào các hợp đồng cung ứng dài hạn để hạn chế tổn thất. “Những căng thẳng hiện nay không phải là thứ có thể khiến tôi thức trắng đêm lo nghĩ, nhưng tất nhiên là tình hình có thể leo thang và mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn”, ông nói.

‘Không ngán’ chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng tổng thống Trump quên là 325 triệu người Mỹ đang phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu từ đây

Bài viết mới