Chi hơn 2.500 tỷ nhập rau quả, chuyên gia cảnh báo gì?

Xuất khẩu rau quả vượt dầu thô

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu rau quả tính từ đầu năm đến hết 15/5/2018 đã vượt 1,47 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu rau quả tăng mạnh cũng góp phần không nhỏ giúp duy trì thặng dư xuất khẩu 2,51 tỷ USD tính từ đầu năm. Xuất khẩu rau quả có nhiều tháng vượt cả dầu thô về kim ngạch . Đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục khi ngành rau quả liên tục duy trì được mức tăng trưởng rất cao trong 4 năm liên tiếp trở lại đây.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các loại quả xuất khẩu chính của Việt Nam chủ yếu vẫn là thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu. Trong khi đó ớt, khoai lang và nấm là rau củ xuất khẩu chính của Việt Nam cùng với dưa chuột, hành tỏi, đậu, ngô ngọt và khoai tây.

Bên cạnh những tin mừng về tăng trưởng xuất khẩu, ngành rau quả Việt vẫn còn không ít nỗi lo. Vú sữa, xoài, thanh long, vải đã vào được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia nhưng sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn là nỗi lo lớn.

Các số liệu cho thấy, hiện Trung Quốc là thị trường chính hút tới 70% tổng lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại siết các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm khiến nhiều loại hàng hoá của Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó trong xuất khẩu thời gian tới. Theo cơ quan biên mậu của nước này, Trung Quốc hiện cũng siết quản lý nhập khẩu và chỉ có 8 loại quả được xuất chính ngạch là thanh long, dưa dấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít. Những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa, nên xuất khẩu rau quả của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp khó.

Việt Nam đã chi hơn 2.500 tỷ đồng để nhập rau quả

Số liệu của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cũng cho thấy, nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam nhiều nhất là Thái Lan với 203 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, chiếm 44% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của cả nước. Đứng thứ hai về cung cấp rau quả cho Việt Nam với kim ngạch 86,5 triệu USD chính là Trung Quốc. Rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu rau quả về Việt Nam đạt trên 456,5 triệu USD, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn nếu tính bằng tiền Việt, tháng 4, Việt Nam đã chi hơn 2.500 tỷ đồng (hơn 111,7 triệu USD) để nhập rau quả từ nước ngoài. Nhiều cảnh báo về việc rau quả nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ sớm đuổi kịp và vượt mức xuất khẩu của các mặt hàng của Việt Nam.

Một thách thức khác với rau quả Việt thời gian tới, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả được dự báo sẽ gặp khó nếu không xây dựng quy trình trồng và thu mua khắt khe.

Phải dựng hàng rào cho nông sản

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khi đã mở cửa hội nhập, việc nhập khẩu các loại nông sản là đương nhiên, kinh tế thị trường phải theo quy tắc “nước chảy chỗ trũng”.

Tuy nhiên, theo TS Khải, phải nhìn nhận rằng, khi Việt Nam xuất nông sản đi các nước, họ dựng lên những hàng rào kỹ thuật khắt khe, với yêu cầu nông sản an toàn, chất lượng cao…Còn khi chúng ta nhập về thì chưa tạo được những hàng rào như họ. “Chúng ta cứ cho nhập ồ ạt vào, nhất là từ Trung Quốc”-TS Khải nói.

Theo TS Khải, việc nhập nông sản, rau quả về nhiều là do Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật tốt như các nước ứng xử với nước ta. Chưa kể, hàng nhập về có an toàn hay không, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao cũng là một vấn đề chưa rõ ràng. “Chúng ta không thể cấm nhập hoặc cấp hạn ngạch như trước đây. Do vậy, nếu có hàng rào tốt, thì nông sản nhập về chất lượng phải cao, nên giá sản phẩm cao, từ đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng trong nước”- ông Khải nói.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, sản xuất trong nước phải thay đổi theo nhu cầu, mức sống của người tiêu dùng, từ đó sẽ hạn chế việc nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam sản xuất được.

TS Sơn cho rằng, người tiêu dùng đã chuyển hướng từ giảm bớt ăn lương thực, chuyển sang ăn rau quả, sản phẩm chăn nuôi; chuyển từ ăn nhiều sang ăn ngon, sạch, ăn rẻ sang ăn bổ, chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sản xuất của Việt Nam chưa bám những nhu cầu thay đổi đó, ngay cả trong thị trường nội địa.

“Khi chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất càng nhiều theo cơ cấu sản xuất cũ và nhu cầu thị trường thay đổi nhanh (yêu cầu chất lượng cao hơn, sạch hơn…) thì tình trạng thừa nông sản kiểu cũ là không tránh khỏi. Vì thế, chúng ta chịu sức ép rất lớn về tiêu thụ nông sản, từ chăn nuôi, thủy sản, rau quả, lúa gạo…”- TS Sơn phân tích.

Hiện Trung Quốc và Thái Lan là 2 thị trường xuất khẩu chủ yếu rau quả vào Việt Nam, chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước. Chỉ riêng hai thị trường này, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương 44,5 tỷ đồng) nhập rau củ quả.

Rau quả trong nước phải giải cứu nhưng rau quả nhập khẩu vẫn tăng liên tục, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc

Bài viết mới